3.
Phở ạ! Sao mà trân trọng vậy
Thưởng thức quán nào cũng thấy ngon
Nước trong. Khói biếc. Tương cay đậm
Tuyệt lắm. Trời ơi! Tái nạm giòn.
M
ột cao thủ võ lâm trong làng văn Nam Bộ là Trang Thế Hy, người
quan niệm nhà văn là “người bào chế thuốc giảm đau” cho đồng loại, từng
đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, ông cũng là một người sành
ăn. Trong những phút ngẫu hứng, ông nói chơi chơi: “Tao là dân Nam Bộ
gốc, nhưng vào quán phở, thấy họ bày phở khá đẹp, hấp dẫn, vậy mà có
cha nện vào cục tương đen, nhìn hết muốn ăn”.
Ngẫm ra, chí lý thay. Nhưng người thủy chung với phở bao giờ cũng
muốn nhìn bát phở nước trong, chỉ gợn chút xíu mỡ. Giống như người đàn
ông trung thành với vợ, chỉ muốn nhìn ngắm nàng trong nét đẹp chính
chuyên không son phấn.
Phở cũng vậy. Chẳng ai nỡ tàn nhẫn đến độ vừa cho tương đen lẫn
tương đỏ vào trong bát phở của mình cả. Màu sắc ấy không phải là sắc màu
“cổ điển” của bát phở đã định hình từ mấy thập kỷ nay. Có những người mê
phở quá nên có lúc lẩn thẩn tự hỏi lòng mình một cách suy tư và đầy... tính
nghiêm túc: “Ấy thế, khi dịch ra tiếng nước ngoài thì thiên hạ dịch như thế
nào nhỉ?”. Chẳng rõ. Nhưng người Pháp gọi phở là “Soupe Chinoise” (súp
Trung Quốc). Thế là sai đứt đuôi con nòng nọc rồi chứ gì nữa! Có người
cho rằng, phở bắt đầu từ mấy chữ “Ngưu nhục phấn” nữa chứ. Nghe sao
mà khó lọt lỗ tai đến thế.