trị. Phải chăng đấy là sự thú nhận riêng tư, một thông điệp được mã hóa,
một tấm gương để noi theo? Phải chăng có ở đây, ẩn tàng trong mọi cuộc tự
tử, một tội ác chống nhân loại? Chúng ta muốn biết là liệu một sự lựa chọn
như vậy có thể thực hiện với đầy đủ sự sáng suốt của lương tri không? Liệu
nó có thể giải thích được, biện minh được mà không phải là một sự yếu
đuối đầy tội lỗi? Với chúng ta, những kẻ đi tìm ánh sáng, những con người
tuyệt vọng này từng là những bậc thầy văn chương, là những ngôi sao
băng, và chúng ta tự hỏi với niềm khắc khoải: Phải chăng họ chết vì đã quá
minh mẫn, đã biết ra quá nhiều điều, hay là vì thiếu can đảm trước công
việc đầy khó khăn là phải sống?
Phải chăng có những thời buổi mà thế sự thăng trầm, mà sự sống phải đầu
hàng? Hẳn vậy, người ta không thể trách cứ ai muốn tỉnh giấc khỏi cơn ác
mộng của lịch sử, thế nhưng chúng ta lại muốn Stefan Zweig đừng kết thúc
cuộc đời mình, cái chết đó làm tim ta quặn đau và làm chúng ta trở nên côi
cút, cho đến hơn 50 năm sau đó. Một nhà văn như bản thân ông, người đã
cho chúng ta biết bao vui thích, con người trí thức khiêm nhường từng
phụng sự cho mọi tài năng đó, con người theo chủ nghĩa hòa bình, kẻ duy
nhất đã cùng với Romain Rolland, nhà văn nước Pháp, đã không nhường
bước trước cơn điên rồ “ái quốc” của chủ nghĩa Quốc xã năm 1914 đó liệu
có quyền tự hiến mình cho Tử Thần không? Hẳn vậy, việc tự tử của Stefan
Zweig là chuyện riêng tư của đời ông, nhưng cũng chính là cuộc sống riêng
tư của đời người đã bị lịch sử tấn công vào năm 1942, và đấy là tội ác ghê
hồn của bọn Quốc xã, cái mà chúng ta không bao giờ ngừng chống lại. Khi
tự chọn cho mình cái chết, Stefan Zweig đã không có sự thảnh thơi để nghĩ
rằng rồi chúng ta sẽ mất ông đi, và đối với chúng ta, những kẻ sống sau đại
chiến, rằng quyết định tự tử của ông vẫn tiếp tục làm cho chúng ta bối rối.
Ông đã rời bỏ nước Đức năm 1934 với một tài năng thiên bẩm đáng kinh
ngạc, và đã không ngừng đi khắp thế giới trước khi đến Braxin theo lời mời
của chính phủ nước này phần nào ngoài chủ định. Mặc dầu có bà Lotte, vợ
ông, ông vẫn cảm thấy cô đơn kinh khủng, xa những bạn bè, bị loại ra một