nhật ký, hồi ức. “Trò chơi với các nhân vật hư cấu” không nhằm mục đích
đạt đến sự giống như thật, nhưng cũng không mâu thuẫn với những sự tìm
kiếm chân lý, ngược lại, nó kết hợp với những suy ngẫm tạo thành cơ sở
của sự nghiên cứu theo kiểu tiểu thuyết đối với cuộc sống. Theo niềm tin
của Kundéra, tiểu thuyết kiểu mới hầu như sẽ tự động mang theo vấn đề
phức điệu. Ông nhấn đi nhấn lại bản chất tra vấn của tiểu thuyết, khả năng
hoài nghi tất cả của nó. Chính dựa vào đó, theo Kundéra, nhà tiểu thuyết
mới có khả năng tiến sát đến việc khám phá ra điều bí ẩn duy nhất mà hắn
phải quan tâm - “điều bí ẩn của hiện sinh mà chỉ hắn và nghệ thuật tiểu
thuyết của hắn mới khám phá ra được”.
“Sau Joyce, chúng ta đã biết rằng sự phiêu lưu lớn nhất trong cuộc sống đã
chuyển vào bên trong con người”. Các nhà phê bình coi câu nói của đó là
“tín điều” của Kundéra, thán phục sự quan sát tinh tế và sâu sắc của ông.
Kundéra rất quan tâm đến việc dịch. Chẳng hạn ông đã có riêng một bài
viết phân tích việc dịch một câu của Kafka ra các thứ tiếng khác nhau. Bài
viết đó cũng không hẳn nói về việc dịch, mà là nói về đặc thù của nghệ
thuật tiểu thuyết. Kundéra khuyên: Phải đọc các tiểu thuyết thật chậm rãi,
chăm chú. Tuy thừa biết rằng khó mà tìm được một người nào trên đời đọc
sách lại không nhảy cóc từng trang, ông vẫn tin cần phải viết ra những cuốn
tiểu thuyết đáng để đọc chậm.
Nhìn chung, Kundéra tin tưởng vào thiên chức xã hội, nhân văn cao cả của
nghệ thuật tiểu thuyết. Khi đưa lại cho con người sự nhận thức phù hợp
nhất về ý nghĩa của sinh tồn, nó đối lập lại các phương tiện thông tin đại
chúng - những cái không để cho con người đối diện với chính mình, tước
mất của con người ký ức lịch sử, đè nén cá tính của con người: “Cuộc sống
thường xuyên bị ngốn nuốt bởi các “sức mạnh thoái hóa” và công việc của
nhà văn - đó là những nỗ lực Don Quichotte nhằm bảo vệ con người khỏi
sự thoái hóa, là khát vọng tạo ra một thế giới tưởng tượng nhỏ bé có sự tươi
mới của một câu hỏi bất ngờ”.