Bưởi (Bạch Thái Bưởi) đã được coi là vĩ nhân khi rời bỏ đám nho sinh ưa
bạo động, trở thành nhà tư sản hàng đầu Bắc Kỳ.
Ông Bùi yêu mến chú hậu sinh vừa là trò vừa là đàn em, bàn rằng:
Nam Kỳ là đất thuộc địa, chính sách nới rộng, tư tưởng mở mang hơn. Ta
vào đấy kiếm ăn dễ, lại đoạn tuyệt thói thủ cựu, có khi cậu như cá gặp
nước.
*
Tháng chín năm 1923, tàu Caravellas, thường gọi là chiếc “Năm - sao
- cụt” rời cảng Hải Phòng vào Sài Gòn. Lộ trình thường mất ba bốn ngày,
gặp bão lốc sống được là may. Tàu chở bò xuất khẩu, khai thối không thể
tả. Khách, là đám “đi thêm”, có vợ chồng ông Bùi, hai con, Liệu và vài anh
bạn. Năm người trong “phái đoàn ông Bùi” được ngủ trong phòng chủ tầu
có độc chiếc giường, giá thuê mỗi ngày một đồng bạc Đông Dương. Nhưng
sự chật chội, nhớp nhúa và mùi nước đái bò không làm Liệu ngán mấy.
Ngổn ngang trong lòng chàng trai hai mươi hai tuổi là bao nhiêu hi vọng.
Caravellas không phải tàu khách nên chả có ai tiễn. Hú lên hồi còi dài,
nó đủng đỉnh rời bến. Đứng trên boong, nhìn cầu cảng xa dần, Liệu chợt
cồn lên nỗi rưng rưng. Phía đuôi tàu là phố xá, chả nhìn thấy đâu cái làng
Vân Cát bé tẹo nghèo khó, ngôi mộ của thầy mẹ, anh trai đã sang cát. Tý
liệu có chạy gạo đủ cho các con cùng cháu, hay sẽ sang Thái Bình cắt rau
má như chị Riệu. Và ngôi nhà, đã đôi ba phen cháy rụi...
Khỏi Đồ Sơn thì mọi tâm trạng bay biến. Chỉ còn nôn oẹ, choáng
váng, sây sẩm. Có cái gì như lưỡi câu móc vào ruột kéo ra, rút tuột mẩu
bánh mỳ hồi sáng. Một lúc, mật xanh trong bụng cũng không còn, nhưng
cơn nôn khan cũng chả buông tha. Căn phòng nhỏ tanh tưởi, ai nấy nằm
như lũ gián chết. Liệu ra ngoài đứng ụ tầu.