Sóng đâu mà lớn thế. Như núi chờm qua. Cả cây nước từ trên trời trút
xuống. Thấy người khách trẻ hãi, vào buồng tránh rồi lại chạy ra, anh mạch
lô bảo từ đây là chỗ lắc mạnh rồi. Chẳng có núi nào cản nên sóng từ xa cứ
nhè tầu mà bổ.
“Phái đòan” bảo nhau cố chịu, bốn ngày đến nơi sẽ thư sướng, tha hồ
ăn mặc gấp nghìn lần ở quê. Nhưng sao đám thủy thủ đều hối hả vậy, hết ca
không ăn cơm mà chỉ nhá bánh mỳ, tiếp tục làm việc. Ai cũng thất sắc, vẻ
khẩn cấp hiện rõ là thế nào. Nghe đâu máy hỏng, tàu bị thủng, phải hàn.
Anh mạch lô trẻ, từ đầu lúc nào cũng nghêu ngao hát, chui từ buồng chỉ
huy ra hét chõ vào buồng máy:
- Quan tư ra lệnh lúc nào kéo còi mới được cắt phao đấy!
Thôi. Thế là chết rồi! Bất đắc kì tử giữa biển khơi, đến nấm mồ cũng
không có. Bà Bùi oẹ khan, cố cầu giời khấn Phật. Bất giác Liệu cũng “Nam
mô A Di Phật... ”, “Lạy Bà Chúa Liễu, con là người làng Vân Cát đây, bà
đừng vật chết chúng con ạ” (1). Trong cơn cồn cào là hình ảnh vợ con,
những con người yêu mến ta và ta hằng yêu mến. Sự nghiệp ngắn quá thế.
Ta mới có mấy bài thơ tỏ chí trên Nam Phong... Đời ngắn thế ư? Tình đoạn
thế ư? Không được chết vì tay những kẻ ta hận thù thế này thì uổng quá.
-----
(1) Bà Chúa Liễu Hạnh quê Vân Cát, tương truyền hay làm dịch bệnh,
thiên tai, hoả hoạn phạt kẻ bà không ưa.
Chừng như trời phật nghe thấy, nên sóng bớt to, bể êm hơn. Tàu đã
chữa xong, bơm được nước ra, còn máy lúc chạy lúc hỏng. Lênh đênh,
ngắc ngoải mãi ngoài khơi, thế nào mà cũng vào được tới Đà Nẵng sau bẩy
ngày.
Ngày thứ mười sáu thì cặp Sài Gòn. Năm thầy trò lên bờ xanh xao,
tanh tưởi. Nhưng chỉ sau bữa cơm no, Liệu đã có thể ngâm rống lên “Mãi