soạn sửa sẵn một dàn lửa và sẽ đốt lên nếu gặp trường hợp có phi cơ quanh
quất tới gần. Nhưng rồi chẳng có ai tới gần thăm viếng cả.
Tôi ra đi vậy, và cũng chẳng rõ sẽ còn sức mà trở lại hay không. Tôi nhớ
lại những gì đã từng biết về sa mạc Libye. Trong sa mạc Sahara, thì còn có
được 40% khí ẩm, nhưng tại đây, khí ẩm chỉ có 18%. Mà sinh khí con
người ta thì cũng tan mau như khí ẩm. Người Bédouin, khách du hành, sĩ
quan thuộc địa, đã cho biết rằng người ta chỉ nhịn khát được trong vòng
mười chín giờ mà thôi. Sau hai mươi giờ thì mắt hoa lên, và bắt đầu kết
liễu: cái khát đi nhanh như sấm chớp.
Nhưng ngọn gió Đông Bắc, ngọn gió bất thường kia trước đây đã phờ
phỉnh chúng tôi, đã bất ngờ hãm chúng tôi vào vùng cao nguyên tử địa này,
chính ngọn gió Đông Bắc trớ trêu nọ, giờ đây ắt là kéo dài cái mạng sống
của chúng tôi ra đôi chút. Nhưng thời hạn kéo dài là được bao lâu? Bao lâu
nữa thì tới cái giờ của mắt hoa đầu choáng?
Tôi đi vậy, đi thôi, đi nữa, nhưng có cảm tưởng như đi trên xuồng nhỏ
đơn chiếc lạc loài trên dặm biển trùng điệp đại dương.
Tuy nhiên nhờ ánh sáng rạng đông, cảnh vật cũng bớt phần thê thảm. Và
tôi thọc tay vào túi bước đi theo điệu côn đồ trộm cắp. Tối hôm qua, chúng
tôi có gài nhiều bẫy quanh miệng vài cái hang bí mật, và sáng nay máu
Liệp Hộ lôi thôi đã bừng dậy trong mình. Tôi đi, đi xem xét những cái bẫy
coi nào: sao mà trống rỗng?
Thế ra là sẽ không uống được máu? Máu chồn? Máu chuột? Thôi thì
cũng được, nào mình có hy vọng gì uống được một phen đâu.
Thất vọng quả là không có, mà trái lại, xem ra trong dạ lại động ý tò mò.
Những con thú kia, ăn chi mà sống? Những con thú nọ, lấy chi mà dưỡng
dục lẽo đẽo phôi pha? Đào đâu ra lương thực mơ hồ, vì đây là sa mạc?
Chắc hẳn những thú kia thuộc loại chồn lùi trong cát, chồn nhỏ sa mạc
phiêu bồng, to bằng con thỏ, điểm trang bằng hai vành tai khổng lồ lẽo đẽo
mang đi. Nghĩ tới mà thèm, lòng ham nó khêu gợi, tôi bèn lần mò theo dấu
một con kia. Dấu ghi trên cát lần hồi dẫn tôi tới một dải sông con bằng cát