VIII: NGƯỜI TA
1
Một lần nữa tôi tới sát mép một chân lý mà tôi không hiểu được. Tôi đã
tưởng mình lâm vào tuyệt địa, tôi đã tưởng mình chạm tới chỗ tận cùng
tuyệt vọng và, một phen chấp nhận chịu khước từ không màng gì nữa hết,
thì tôi đã rõ được lẽ thanh thản yên vui. Tưởng chừng như trong giờ phút
đặc thù đó, người ta chợt khám phá ra chính mình, và người ta trở thành
bạn thiết của chính mình. Không có gì có thể chiếm ưu thắng trước cái
niềm viên mãn sung thiệm, đáp ứng mọi đòi hỏi cốt yếu, một nhu cầu thiết
thân nào đó ở trong ta, mà bấy lâu nay ta không để bụng quan hoài.
Bonnafous, tôi thiết nghĩ, Bonnafous từng lãng phí thân mình trong những
cuộc theo đuổi bóng vang mây gió, Bonnafous đã thâm cảm niềm bình thản
thanh thoát kia. Guillaumet phiêu bồng trong tuyết giá, cũng thâm cảm nỗi
niềm đó. Còn tôi, tôi làm sao quên được cảnh huống mình. Làm sao quên
được rằng một phen lấp thân trong cát tới tận mang tai, một phen suýt chết
vì khát nước, mà còn cảm thấy máu tim ấm cúng êm đềm túc mục đến thế
dưới vòm sao vây phủ?
Làm thế nào giúp cho niềm phơi phới nọ có được dịp phi dương? Mọi sự
trong con người đều bao hàm mâu thuẫn, ai cũng biết thế. Người ta bảo
đảm cơm nước cho anh chàng nọ để anh rảnh rang sáng tác, thì anh ta lại
ngủ khì; kẻ anh hùng chinh phục chiến thắng rạch đôi sơn hà xong, bỗng
đâm ra nhu nhược mềm dịu như hồn đàn bà; kẻ hào hoa phóng dật, nếu
được ban cấp của cải giàu sang, lại đổ ra bo bo biển lận. Những chủ nghĩa
chính trị, tin quyết là mình mở lối khai hóa tốt tươi cho con người, những
chủ nghĩa li bì kia, đối với chúng ta thật chẳng có chi cần ích liên can cả,
nếu tự ban đầu ta chẳng biết cái loại người nào sẽ được khai hóa tốt tươi ra.
Kẻ sắp nảy nở là ai? Chúng ta không phải một bầy mục súc cần nuôi cho
đông đảo để ăn thịt hoặc để lấy phân, hoặc để lùa vào đồi sim mà thẫn thờ
bá láp, và sự xuất hiện của một Pascal bần cùng lại nặng ý nghĩa hơn ba kẻ
lai rai lùa bò hoặc chăn dê thịnh vượng.