TỰA
Câu chuyện kể, là chuyện phi công và phi cơ.
Nhưng giọng người là giọng trần gian đi tìm linh hồn mình giữa non
nước quạnh.
Văn minh, văn hóa đương phiêu bồng đợi giờ thành tựu. Những xế chiều
ký niệm đương linh cảm sương vàng bình minh.
Saint-Exupéry đã đi mất từ lâu, nhưng tiếng ngân dài trong suốt vẫn
xuyên vào trong giấc chiêm bao thương nhớ của những người ở lại.
Kẻ trước, người sau, xin “dịch” đi, dịch lại những lời… Dịch, biến làm
chuyển dịch cho tương giao. Bất cứ nhìn ai cắm cúi dịch Saint-Exupéry, ta
hãy xem như đó là chuyện chung của những con người rủ nhau ghé vào bờ
mộng. “Ở giữa lòng một vài đêm thâu lục nhạt, tôi đã nhìn những tia lửa
băng trời thành một đường rẽ vút như một làn gió dài dàn rộng giữa muôn
sao”.
SAINT-EXUPÉRY
Theo dõi giấc mộng dài của Saint-Exupéry, lại gọi ngôn ngữ Việt Nam
về hạ tứ, nhiều phen phải bàng hoàng: Chúng ta đứng trước mấy lần hiểm
họa của màu sắc lục hồng cứ trùng điệp rủ nhau bay, tung lên và phủ
xuống. “Phi hồng trường phát phi kiên. Ôi mùa tích lục phi tuyền lên cao”.
René Char còn bảo: “Ne regardez qu’une fois la vague jeter I’ancre dans
la mer. Hãy nhìn chỉ một lần thôi, làn sóng thả neo vào lòng biển”.
Dịch văn – sao cứ gọi là dịch? – dịch văn biến thành câu chuyện: vừa
bay lên, vừa lặn xuống, vừa nối liền hai bờ ngôn ngữ quá xa nhau. Thật vừa
vui, vừa mệt mỏi.
Ngôn ngữ đa âm đòi hỏi lối phiên dịch như thế nào qua ngôn ngữ đơn
âm? Đó là điều đáng xui chúng ta tư lự đăm chiêu.