giúp vào việc đuổi bắt lũ baaaing xổng - Họ gọi chúng là "cừu" - rồi tranh
nhau ngồi lên đầu một con cừu giãy giụa tuyệt vọng trong khi một người
đàn ông lấy kéo xén lớp lông dày xoăn, nhớp bẩn của nó. Bác vĩ cầm cắt
nghĩa cho Kunta hay rằng lông cừu sẽ được đưa đến một nơi nào đó để rửa
sạch và "chải thành mớ" rồi đem về cho phụ nữ quay thành sợi len để đan
quần áo rét.
Đối với Kunta, công việc cày cấy vun trồng mảnh vườn ngày ngày trôi
đi trong một nhập nhoạng mướt mồ hôi từ sáng đến tối. Đầu tháng giữa hè
mà họ gọi là "tháng bảy", những người làm việc ngoài đồng đêm đêm trở
về lều mệt nhoài vì phải gấp rút hoàn thành việc cuốc rẫy cỏ đợt cuối quanh
đám bông và ngô đã cao đến ngang thắt lưng và nặng trĩu những cum tua.
Công việc nặng nhọc, nhưng chí ít cũng có nhiều cái ăn trong những nhà
kho vốn đã đầy ứ từ mùa thu trước. Vào thời gian này, ở Jufurê, Kunta
nghĩ, dân làng chắc vẫn đau bụng vì cái thứ cháo nấu bằng rễ cây, sâu bọ,
cỏ và bất kỳ cái gì khác kiếm được, bởi lẽ hoa màu và trái cây, tuy xanh rờn
tươi tốt thế, vẫn chưa chín.
Công việc "dự trữ" phải xong trước ngày "chủ nhật" thứ hai trong
tháng bảy - Kunta được biết thế - khi những người đen thuộc phần lớn các
đồn điền trong vùng này (gọi là "Hạt Xpotxylvanya") được phép đi đến một
nơi nào đó tham gia một kiểu "họp trại". Bởi lẽ cuộc này dù thế nào mặc
lòng vẫn dính dáng đến Chúa Ala của họ, nên thậm chí không ai nghĩ đến
chuyện gợi ý Kunta cùng đi, bọn họ gồm hơn hai chục người lên đường rất
sớm vào buổi sáng chủ nhật ấy, lèn chặt trong một chiếc xe mà me-xừ Uolơ
đã đồng ý cho dùng.
Hầu hết mọi người đã đi trong mấy ngày sau - đến nỗi chẳng còn mấy
ai có mặt ở đây để xem xem Kunta có định chạy trốn nữa không - song anh
biết mặc dù đã quen thuộc và đắc dụng, anh cũng không thể nào chạy được
thật xa trước khi bị tóm lại. Tuy xấu hổ với lương tâm, anh vẫn phải thừa
nhận rằng anh đã bắt đầu ưng cuộc sống như anh được phép sống nó ở cái