trống khác bước vào giữa đám họ đánh theo một nhịp khớp với các động
tác của họ, mọi người bắt đầu cất tiếng hát. Trong niềm hân hoan, thỉnh
thoảng một nông dân tung cuốc lên xoáy tròn theo một tiếng trống rồi lại
bắt lấy nó vào phách trống tiếp theo.
Lứa tuổi của Kunta cũng làm mướt mồ hôi cùng với cha chú, rũ những
búi lạc cho sạch đất. Khoảng giữa buổi sáng, là đợt nghỉ đầu tiên - rồi đến
trưa, những tiếng reo vui nhẹ nhõm thốt lên khi toán đàn bà, con gái mang
bữa trưa tới. Đi thành một hàng dọc, cũng hát những bài ca mùa gặt, họ
nhấc những chiếc nồi từ trên đầu xuống lấy muôi múc vào những trái bầu
rỗng, dọn ra mời các tay trống và thợ gặt, đám này ăn xong rồi ngủ trưa cho
đến khi trống tôbalô lại vang lên lần nữa.
Đến cuối ngày đầu tiên ấy, từng đống hoa màu đã thu hoạch, rải rác
điểm khắp cánh đồng. Mồ hôi và bùn đất nhễ nhại, đám nông dân mệt mỏi
đi tới dòng suối gần nhất, cởi quần áo, nhảy tùm xuống nước, cười vang và
vỗ bì bạch, tắm mát và rửa ráy sạch sẽ. Rồi họ hướng về nhà, vừa đi vừa
đập những con ruồi vo ve quanh thân thể bóng loáng của họ. Càng tới gần
làn khói bốc ra từ bếp của các bà các chị bay về phía họ, mùi thịt quay càng
khêu gợi cồn cào, món này sẽ được dọn cho họ mỗi ngày ba lần trong suốt
thời gian gặt cho đến khi nào kết thúc.
Đêm ấy, sau khi nhồi nhét đầy tễ, Kunta nhận thấy - như nó đã thấy
thế mấy đêm rồi - mẹ nó đang khâu khâu vá vá cái gì. Mẹ chẳng nói gì về
cái đó mà Kunta cũng chẳng hỏi, nhưng sáng hôm sau nó vác cuốc lên và
bước ra khỏi cửa, mẹ bèn nhìn nó và làu bàu nói: " Sao con không mặc
quần áo vào?"
Kunta quay phắt lại. Kìa, một cái áo dài mới toanh treo trên mắc. Cố
giấu nỗi phấn khởi của mình, nó làm ra vẻ thản nhiên mặc áo vào và nhẩn
nha bước ra khỏi cửa - đến đây, nó mới vùng chạy. Những đứa khác cùng
lứa tuổi nó đã ra ngoài lều - tất cả bọn chúng, cũng như nó, lần đầu tiên
trong đời được mặc quần áo, tất cả chúng đều nhảy cẫng lên, la hét và cười