khăn quàng và chiếc mũ quả dưa đã trở thành trang phục thường xuyên của
anh, nắng cũng như mưa, hè cũng như đông - mà không có tiền được cá để
để dành. Phần lớn, sau khi mua các món quà mà tất nhiên bao giờ anh cũng
mang về không những cho Matilđa và mẹ mình, và cho cả các cô bác
Malizi, Xerơ, Pompi cũng như bé Vơjơl, và cho Matilđa mấy đôla nữa, anh
chả còn được bao nhiêu. Mỗi lần trở về, anh còn mang theo hàng loạt tin
tức, ít nhất cũng đủ kể một tiếng đồng hồ về những điều tai nghe mắt thấy
trong chuyến đi. Hễ cái gia đình xóm nô tụ tập quanh anh, Kitzi hầu như
bao giờ cũng nghĩ đến ông bố người Phi của mình đã từng là nguồn thông
tin chủ yếu cho một xóm nô khác như thế nào và bây giờ lại đến lượt con
trai bà.
Một lần, từ một chuyến đi dài đến tận Saletơn trở về, Joóc-Gà tả "cơ
man là thuyền buồm to tướng, cột chi chít dư rừng và nhọ đông dư kiến
khuân kìn kìn dững thùng thuốc lá to đùng mấy lại đủ các thứ khác chở qua
miền nước nhớn sang bên Anh mấy lại nhiều nơi khác nữa. Tuồng dư bi
giờ, tui mấy ông chủ đi đến đâu cũng thấy nhọ đào kênh, làm đường đá,
xây đường xe lửa! Rành là dân nhọ đang dựng xây đất nước nầy bằng bắp
thịt mình!"
Một lần khác, anh nghe nói là "người da trắng dọa dân da đỏ về việc
nhận quá nhiều nhọ vào các khu dành riêng của mình. Ối người da đỏ tộc
Críc và Xêminôl cưới nhọ làm chồng làm vợ! Có cả một số thủ lĩnh da đỏ
là nhọ! Cơ mà tui nghe nói các người da đỏ tộc Tsócto, Tsiccơxo và Tsirôki
còn ghét nhọ hơn cả người da trắng ghét nhọ".
Những câu hỏi đặt ra với anh ít hơn nhiều so với những điều mọi
ngưòi thực sự muốn biết, và thoáng sau, Kitzi, Malizi, Xerơ và bác Pompi
tế nhị viện cớ rút về lều riêng để anh và Matilđa một mình với nhau.
"Em đã tự nhủ mình là anh sẽ không bao giờ phải nghe em phàn nàn
hàng lô hàng lốc, Joóc ạ", cô nói với anh một đêm như vậy khi hai người đã
nằm vào giường. "Cơ mà rành là em chả mấy khi có chồng ở bên".