ngoài - và "yên phận thủ thường", như một nhóm người da trắng đã nói
trong một cuộc trò chuyện mà lão Joóc Jonxơn nghe lỏm được tại cửa hàng
tổng hợp.
Nhưng lão Joóc cũng bị đối xử như là một kẻ trong "bọn ấy" - bị xa
lánh trong môi trường xã giao, phải chờ đợi ở các cửa hàng cho đến khi tất
cả các khách hàng da trắng khác đã được phục vụ xong xuôi, thậm chí có
lần bị một lái buôn bắt phải mua một chiếc mũ mà anh đã thử và để trả lại
trên giá khi thấy nó chật quá. Sau đó, anh kể chuyện lại cho gia đình Joóc-
Gà nghe, để chiếc mũ đậu toòng teng trên đầu cho mọi người coi và ai nấy
đều cười rộ như anh. "Tui lấy làm lạ là sao chiếc mũ í không vừa", Joóc-
con nói đùa, "khi mà cậu thộn đến nỗi đi thử nó ở cái cửa hàng í". Asfođ thì
tất nhiên phẫn nộ đến nỗi lớn tiếng dọa - dọa suông thôi - sẽ xuống đó tọng
cái mũ vào cổ họng thằng cha da trắng í".
Mặc dù đám cộng đồng da trắng không cần đến họ mấy - và ngược lại
- Tôm và bà con biết rất rõ là cánh thương nhân ở thị xã khó có thể nén nổi
niềm phấn khởi trước sự gia tăng vùn vụt trong kinh doanh do họ tạo nên.
Tuy họ tự may lấy hầu hết quần áo cho bản thân, tự túc phần lớn thực phẩm
và chặt hạ phần lớn gỗ làm nhà, số lượng đinh, sắt tây và dây kẽm gai họ đã
mua trong hai năm sau đó chứng tỏ nhịp độ trưởng thành của cộng đồng da
đen.
Đến năm 1874, khi nhà cửa, chuồng ngựa, chuồng bò và hàng rào đã
xây dựng đầy đủ, gia đình - dưới sự chỉ đạo của Matilđa - chuyển hướng
chú ý sang một công cuộc mà họ coi không kém phần quan trọng đối với sự
an lạc của mình: xây dựng một nhà thờ thay thế những gốc cây vẫn dùng
làm nơi cúng lễ tạm bợ. Việc đó làm mất một năm và ngốn một phần lớn
tiền dành dụm của họ, nhưng khi Tôm và các anh em trai cùng đám con trai
của họ hoàn thành chiếc ghế dài cuối cùng trong nhà thờ và tấm vải trắng
đẹp với hình thánh giá màu đỏ tía do Airin dệt tay đã được phủ trên bục
giảng kinh trước cái cửa sổ bằng kính màu giá 250 đôla đặt ở hãng Xia,