Lễ cưới của họ, cử hành ở nhà thờ Tân Giáo Giám Lý cho người da
màu mang tên Niềm Hy Vọng Mới vào mùa hè năm 1920, là sự kiện xã hội
đầu tiên ở Henninh có cả người da đen và da trắng cùng dự - không những
vì Uyl Palmơ giờ đã ở trong số những công dân nổi bật nhất của thị xã, mà
còn vì bản thân cô Bơthơ hoàn hảo cũng là một nhân vật mà mọi người ở
Henninh đều nhìn bằng con mắt tự hào. Cuộc tiếp tân được tổ chức trên bãi
cỏ rộng, thoai thoải trong ngôi nhà mười buồng mới toanh của vợ chồng
Palmơ, bao gồm cả một phòng nhạc và một thư viện. Một bữa tiệc được
dọn ra mời khách; quà mừng chất đống, nhiều hơn cả số lượng thường thấy
ở ba đám cưới trung bình; có cả một chương trình biểu diễn của toàn ban
hợp xướng trường cao đẳng Lêin - chính trong đội ngũ của nó, đôi vợ
chồng mới ngây ngất hạnh phúc này đã gặp nhau lần đầu. Một chiếc xe
buýt do Uyl Palmơ thuê từ Jêchxơn đã chở Ban hợp xướng đến.
Chiều hôm ấy, nhà ga xe lửa nhỏ bé của Henninh tràn ngập người khi
Xaimơn và Bơthơ đáp chuyến tàu Trung tâm Ilinoi đưa họ đi suốt đêm tới
Tsicơgâu, ở đó họ chuyển sang một tàu khác đi tới một vùng gọi là Ithơcơ,
Niu Yoóc. Xaimơn sẽ học tại trường "Đại học Conel" để lấy bằng cử nhân
nông nghiệp và Bơthơ sẽ vào "Nhạc viện Ithơcơ" ở gần đấy.
Trong khoảng chín tháng, Bơthơ viết thư về nhà đều đặn, kể những
thực tế phấn khởi họ đã trải ở nơi xa này và cho biết họ sống với nhau rất
hạnh phúc. Nhưng rồi đến đầu mùa hè năm 1921, thư của Bơthơ bắt đầu
thưa dần, cho đến khi Xinthiơ và Uyl, cuối cùng, đâm rất lo là có cái gì
không ổn mà Bơthơ không nói cho ông bà hay. Uyl đưa Xinthiơ năm nghìn
đôla để gửi cho Bơthơ, dặn cô cứ việc dùng theo sự cần thiết của hai vợ
chồng mà không cần nói cho Xaimơn biết. Thế nhưng thư của cô con gái
lại càng ít hơn và đến cuối tháng tám, Xinthiơ bảo với Uyl cùng các bạn
thân thiết rằng bà sẽ đích thân đi Niu Yoóc để xem binh tình ra sao.
Hai ngày trước khi Xinthiơ định lên đường, một tiếng gõ cửa vào lúc
nửa đêm khiến hai vợ chồng hốt hoảng thức giấc. Xinthiơ ra khỏi giường