Người mẹ: (bối rối đi lại gần con vì có quá nhiều người
hiếu kỳ đang quay sang nhìn hai mẹ con họ) Thôi được rồi! Được rồi! Con
thắng rồi! Nín đi nào! Mẹ sẽ mua cho con món đồ chơi đó. (Chị giật lấy
món đồ chơi từ tay con và đến quầy tính tiền).
Cô bé: (lập tức nín khóc) Thật thế hả mẹ? Mẹ mua thật chứ?
Người mẹ: (đưa đồ chơi đã tính tiền cho con và nói) Giờ con hài lòng
rồi chứ?
Cô bé: (quay sang mẹ, nắm lấy bàn tay mẹ, ngước đôi mắt mở to vẫn
còn long lanh giọt lệ nhìn mẹ và cười thật tươi) Vâng! Cảm ơn mẹ. Con yêu
mẹ nhất trần đời.
Bạn đã nhận ra ai là người thắng cuộc trong cuộc “đấu trí” này. Có thể
nói đấy là biểu hiện của cuộc đấu tranh “giành quyền lực” và rõ ràng cô bé
lắm trò đến mức người mẹ không thể xử lý nổi. Nếu ta làm một cuộc phân
tích và đặt những biện pháp của bé gái này vào ngữ cảnh người lớn, ta sẽ
thấy đây là những “chiêu bán hàng” mà đứa nhỏ đã áp dụng rất tốt.
1) Sử dụng cách tiếp cận lịch sự của một nhân viên chăm sóc khách
hàng (hỏi xin mẹ mua đồ chơi một cách lễ phép).
2) Trở thành người bán hàng chuyên nghiệp bằng cách quảng cáo lợi
ích của món đồ chơi này so với những món mà nó đã có ở nhà.
3) Bắt đầu thương lượng bằng cách nói, “Nếu mẹ không nói thì sao ba
biết được”.