Một lần tôi gặp một học sinh cho rằng cậu có trí nhớ kém, vì thế cậu
mới “đội sổ”. Tôi đưa ra mấy câu dò hỏi và phát hiện rằng cậu đam mê máy
bay chiến đấu và cậu thật sự có thể nhớ được tất cả các mô hình khác nhau
đến từng chi tiết như kích thước, kiểu dáng, năm sản xuất... Thế là chúng
tôi dùng phát hiện này như một dữ kiện phản biện hoàn hảo, rằng thật ra
cậu sở hữu một trí nhớ phi thường.
Vấn đề nằm ở chỗ, một số phụ huynh thay vì dùng dữ kiện phản biện để
gạt bỏ niềm tin tiêu cực của con cái lại vô tình làm mạnh hơn niềm tin ấy
bằng cách củng cố các sự việc liên quan. Một số người thường “vô tư” nhận
xét,
“Sao mà con hay quên thế? Đây đâu phải là lần đầu tiên. Năm ngoái
con quên mang theo hộ chiếu lúc nhà mình đi du lịch, tuần trước con quên
áo khoác ở nhà nội, hôm qua quên tắt máy lạnh, bây giờ lại quên...”.
Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, nếu chúng ta muốn thay đổi hành vi của
con cái (ví dụ: động viên con cẩn thận hoặc chăm chỉ hơn), trước tiên chúng
ta phải làm yếu đi những niềm tin sai lầm đang trói buộc chúng với những
thói quen cũ.
Cha mẹ cần gieo những niềm tin tích cực gì nơi trẻ?
Song song với việc nhổ tận gốc những niềm tin sai trái, cha mẹ phải
truyền những niềm tin đúng đắn cho con cái để thúc đẩy chúng vươn tới
thành công. Sau nhiều năm tiếp xúc với các em đạt thành tích cao trong
trường học, chúng tôi phát hiện ra rằng những em này có chung một tập hợp
các niềm tin đúng đắn giúp chúng tận dụng tối đa tiềm năng của mình. Hai
trong số những niềm tin tích cực nhất của chúng là...
Niềm tin thứ nhất: Tất cả mọi người đều có tiềm năng như nhau.
Nếu anh làm được thì tôi cũng làm tốt. Vấn đề là ở phương pháp.