Hoạt cảnh trên nghe có quen thuộc với bạn không? Chắc là bạn biết câu
chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Ý định tốt đẹp của người mẹ là muốn con
trai tập trung học, bớt giao du với bạn bè đâm ra “xôi hỏng bỏng không”.
Trái ngược với mong muốn của mình, bà chỉ nhận được những phản ứng
tiêu cực, thái độ bất hợp tác của con trai. Chắc chắn đêm ấy bà sẽ buồn lòng
khi đứa con trai không những không nghĩ là nó sai (đi chơi mà chưa được
phép của mẹ) mà còn phản kháng ra mặt (bỏ ra khỏi nhà). Có lẽ bà cũng đi
đến chỗ cho rằng mình thất bại trong vai trò làm mẹ vì đã không thể nói
chuyện để mẹ con hiểu nhau hơn.
Trong khi đó, đứa con trai ra khỏi nhà với trạng thái bực dọc, bất mãn vì
mẹ cậu không chịu hiểu cho mình, không lắng nghe cảm nghĩ của mình.
Cậu cảm thấy mẹ “luôn nhảy xổ” vào đời mình với những lời kêu ca, phàn
nàn bất tận, rằng bà không để cho cậu yên phút nào và rằng sứ mệnh duy
nhất trong đời bà là trách mắng, rầy la con trai.
Trong chuyện này ai sai, cậu con trai hay người mẹ? Từ góc độ của
người làm cha mẹ, chúng ta dễ dàng cho rằng cậu con trai mới là người sai
vì đã không xin phép mẹ đi chơi sau đó còn vô lễ với mẹ. Dù điều đó là
đúng thì cách tiếp cận như vậy cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Sở dĩ cha mẹ và con cái, tuy sống dưới một nhà, ăn ở và sinh hoạt cùng
nhau, nhưng lại có những nhận thức về thế giới khác nhau là vì mỗi người
có một “bộ lọc” khác nhau trong tâm trí. Chính những bộ lọc khác nhau này
tạo ra những cách nhìn khác nhau trong suy nghĩ của mỗi người chúng ta về
thế giới xung quanh. Những bộ lọc này được hình thành cùng với năm
tháng và cũng thay đổi theo năm tháng bởi các giá trị, niềm tin và thái độ
sống của mỗi người.