tình cảm này thì gã luôn có thừa. Đó là sự thơ ngây, trong trắng của con
nhỏ. Đó là cái nét mà gã ghét cay ghét đắng nếu có ở người nào, dù người
đó là đàn ông, đàn bà, con trai, hay con gái. Nếu có đủ khả năng thì gã đã
sẵn sàng làm nhơ nhớp cả thế giới này rồi.
Ở băng sau, Mouche đã ngủ một giấc ngủ li bì của kẻ kiệt lực về tinh
thần cũng như thể xác. Khi thức dậy trời sáng rồi, nàng thấy mình bơ vơ.
Cơn hãi hùng hồi hôm vùng trở lại, nàng tung cửa xe ra láo liêng nhìn
quanh mình. Nhưng nhờ ánh nắng và ngoại cảnh nên nàng thấy bớt sợ đôi
phần. Chiếc xe cà tàng đậu lại ở một chỗ rất bừa bộn đàng sau những chiếc
sạp, những quầy hàng của một chợ phiên khác. Ở xa phía sau, nàng nhìn
thấy hai cột tháp song song của thánh đường Rheims bị phá hại
.
Gần đấy có một máy nước, nàng ra đó rửa mặt, nước lạnh khiến đầu óc
nàng tỉnh táo. Lúc nàng chui qua mấy sợi dây thép chăng ngang và mấy cây
cọc chống đỡ một căn lều gần đấy, bỗng nàng nghe tiếng khàn khàn quen
thuộc gọi nàng: “Ố la, cô Mouche!”
Nàng len lỏi ra con đường họp hội chợ. Đích thị là tên Reynardo. Chiếc
sạp mà nàng đã nhìn thấy dưới ánh đuốc đêm rồi đã được dựng lại. Trong
ánh sáng ban ngày thật là sập xệ. Nhưng không chối cãi được Reynardo là
con chồn lông đỏ trân tráo có bộ mặt hay hay.
Nó huýt sáo kêu nàng và trễ cằm xuống hỏi: “Rửa mặt rồi hả, cô bé?”
“Rồi,” Mouche đáp, rồi đáo để hỏi lại: “Chú rửa chưa?”
“Chưa, nhưng đừng méc ai nghe. Chẳng rửa đã sao đâu!” Hắn vẫy đuôi
rồi tụt xuống. Carrot Top lên thế, tên này cầm tấm giấy bạc một trăm phật-
lăng bằng cả hai tay. Hắn nói:
“Ồ, chào cô Mouche, ngủ ngon chứ?”
“Ngon lắm, cám ơn.” Một sự sảng khoái quý hoá truyền qua cơ thể nàng.
Tụi nó lại có mặt đầy đủ, những người bạn nhỏ thân yêu của đêm rồi. Thật
là thoải mái được đứng đây nói chuyện với chúng.
Carrot Top cất cao giọng nói: “Nè, mua bánh, mua phó-mát mà ăn điểm
tâm.” Hắn đưa cho nàng tấm giấy bạc. “Ở cuối phố có hàng chạp phô
đó.
Tôi còn mắc sửa soạn trình diễn. Còn bao nhiêu đem về trả lại nghe.”