- Khổ quá ! Ông không biết gì hết ! Mấy bữa nay con chạy xe, con mới phát hiện ra một
điều là thiên hạ ít bao giờ nói số nhà và tên đường ra cả. Họ chỉ bảo "về ngã ba ông Tạ" hay
"tới công trường Cộng Hòa" gọn lỏn thế thôi ! Nếu ông hỏi lại chỗ đó là chỗ nào thì người ta
cho ông là gà mờ, không đáng tin cậy và họ sẽ đón xe khác ngay .
Hóa ra đạp xích-lô mà cũng phức tạp gớm !
Ngày hôm sau, thằng Bảo đưa tôi một tấm bản đồ địa lý dành riêng cho dân đạp xích-lô
do nó biên soạn, trong đó chỉ rõ cổng xe lửa số 6 ở chỗ nào, ngã tư Nancy ở đâu ...
Tôi bỏ mất ba ngày để học "địa lý", mồm luc' nào cũng lẩm bẩm : Xóm Gà, Xóm Chiếu,
Cây Sứ, Cây Điệp, Lăng Ông, Lăng Cha ... đến sái cả quai hàm.
Học "địa lý" xong, tôi còn phải học "kinh tế" : chở từ đâu đến đâu lấy bao nhiêu tiền ! Rồi
chở một người thì sao, hai người thì sao, ba người thì sao ...
Thằng Bảo "dạy" cái gì, tôi lấy sổ tay ghi chép cái đó, mặc dù tôi nhẩm sức mình chỉ chở
nổi hai người là cùng, mà trong hai người đó phải có một người là ... con nít kia !
Chỉ có một chiếc xe nên tôi với thằng Bảo phải thay phiên nhau đạp, nó một ngày tôi một
ngày .
Buổi xuất hành đầu tiên của tôi, nó đạp xe đạp theo hộ tống và xem có sai sót gì về
nghiệp vụ thì uốn nắn kịp thời .
Đi ngang một ngã ba, thấy có hai người đang đứng trên lề đường, tôi thắng xe lại, hỏi :
- Anh chị về đâu ?
Hai người lắc đâù làm tôi cụt hứng, đạp đi luôn.
Thằng Bảo chạy rề rề theo, cao giọng lên lớp :
- Dân trong nghề không bao giờ gọi khách là "anh chị" mà phải nói "thầy Hai về đâu ?"
mới đúng điệu !
Thằng Bảo nói làm tôi nhớ lại ngày đầu tiên tôi đến Sài Gòn, người ta kêu tôi là thầy Hai
khiến tôi sướng rơn trong bụng.
- Mà nếu người ta muốn :