- Bắt đầu từ năm tới, vào dịp nghỉ hè hằng năm, cứ đúng bốn giờ chiều ngày một tháng
bảy, tụi mình đều gặp nhau ở quán cà phê này . Nếu chết thì thôi, còn sống thì thế nào cũng
phải mò tới, tụi mày đồng ý không ?
Ý kiến của nó thì hấp dẫn nhưng coi bộ khó thực hiện quá. Tôi tặc lưỡi :
- Tao nghi quá.
- Nghi cái gì ?
- Có đứa quên !
- Dẹp mày đi ! Không có quên gì hết ! Phải ghi vào sổ tay !
Kim Dung nhún vai :
- Chết thì không chết, nhưng lỡ què giò thì sao ?
Tôi cười :
- Tôi sẽ đem xích-lô tới rước.
Bảo nói :
- Xích-lô của thằng Chương không chở được thì tôi đẩy xe lăn tới chở bà, lo gì !
Chúng tôi bốc phét một hồi, mặt mày tươi tỉnh được đôi chút.
Đúng lúc đó, thằng Bảo đột ngột đứng dậy nói :
- Thôi, đang hồi vui vẻ mình nên chia tay ! Nấn ná một lát nó buồn trở lại, tao đi hết nổi !
Nói xong, nó vội vã lên xe vọt thẳng như muốn chạy trốn chúng tôi .
Còn lại hai đứa, tôi đưa Kim Dung về.
Chúng tôi chạy xe song song bên nhau nhưng không ai nói gì. Tự nhiên tôi bỗng nhớ đến
câu "Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy" trong một truyện ngắn của Sơn Nam và thấy lòng
mình chùng xuống. Trong những ngày đau khổ vì Quỳnh, tôi đã tìm thấy ở Kim Dung một
niềm an ủi, một chỗ dựa tình cảm đáng tin cậy . Với một người bạn chân thành như nó, tôi
cảm thấy rất yên tâm, không sợ phải gặp những thay đổi tráo trở. Lâu nay, sự có mặt của
Kim Dung trong cuộc đời tôi đã trở thành thân thiết tự nhiên, bây giờ sắp phải xa nó, tôi
cảm thấy lòng mình trở nên trống vắng kỳ lạ.