Trong khi chờ dịp về quê, tôi ra trụ sở khóm phụ giúp bác Tám trai . Bác bây giờ là chủ
tịch khóm. Bác nhờ tôi chép một danh sách dài dằng dặc từ những tờ khai gia đình. Suốt
ngày, tôi ngồi lì một chỗ chép mỏi cả tay .
Rồi thấy tôi viết chữ đẹp, bác giao tôi mấy hộp sơn đỏ và cây cọ, kêu tôi đi kẻ khẩu hiệu .
Thoạt đầu, tôi kẻ trên các bức vách của trụ sở khóm. Sau đó, thấy sơn còn nhiều, tôi ngứa
tay vác cọ đi kẻ tùm lum. Đi rảo ngoài đường, thấy bức tường nào trống trống là tôi phết
cho một lô khẩu hiệu . Thấy vậy, bác Tám khen tôi nhiệt tình cách mạng.
Tôi "làm cách mạng" được một tuần thì có một người quen giới thiệu tôi với một chiếc
xe tải sắp sửa đi Huế. Thế là tôi chào dì dượng, từ biệt gia đình bác Tám, khăn gói lên
đường.
Lúc tôi bước chân ra, Lan Anh níu tay tôi, dặn :
- Anh về thăm quê rồi nhớ trở vào với em nghen !
Trâm cũng dặn dò y như vậy .
Quỳnh không nói gì hết, cô bé chỉ mỉm cười nhìn tôi . Tôi thấy mắt Quỳnh đo đỏ. Đối với
tôi, ánh mắt ấy có ý nghĩa sâu xa hơn tất cả những lời dặn dò.
Chiếc xe tải tôi đi đầy nghẹt người, già trẻ lớn bé đủ cả. Thoạt đầu, tôi ngồi trong thùng
xe bít bùng phía sau nhưng rồi chen chúc một hồi, tôi cảm thấy khó thở liền leo lên mui xe .
Mui xe cũng đầy ắp người nhưng ở ngoài trời, thoáng gió, dù sao cũng thoải mái hơn.
Xe chạy suốt đêm không nghỉ. Trên mui xe, ai buồn ngủ thì ngồi vô giữa, những người
ngồi chung quanh dăng tay che chắn, canh giữ, không để ngã xuống đường. Lát sau, mọi
người lại đổi chỗ cho nhau .
Khác hẳn sự lành lặn may mắn của Sài Gòn, dọc đường miền Trung đầy rẫy những dấu
vết chiến tranh. Những bức tường lỗ chỗ dấu đạn, những ngôi nhà đổ sập, những cột khói
âm ỉ trải dọc đường đi . Đây đó trên những cánh đồng, trong những khu rừng cao su bạt
ngàn, vô số những loại xe quân giới nằm vương vãi, chỏng chơ, hàng hàng lớp lớp.
Chiều tối hôm sau, tôi về đến nhà.