Tác phẩm này tìm hiểu về những tranh cãi xung quanh thuốc diệt cỏ và
coi đó là cơ sở để nắm bắt ý nghĩa của an ninh toàn cầu trong bối cảnh
Chiến tranh Việt Nam. Những nhà khoa học phản đối chiến tranh diệt cỏ đã
tập trung vào việc tạo ra một tầm nhìn mới về an ninh môi trường, xuất phát
từ việc chấm dứt chiến tranh lạnh và hệ tư tưởng lưỡng cực. Vấn đề cấp thiết
đặt ra hiện nay là, nếu không thể duy trì sức khỏe hệ sinh thái thì nhân loại
có nguy cơ đối mặt với các thảm họa toàn cầu như chiến tranh tài nguyên, sự
nóng lên của Trái Đất, hạn hán hay nhiều loại tuyệt chủng hàng loạt. Trên cơ
sở lập luận rằng Chiến dịch Ranch Hand và những diễn biến trong tương lai
có thể sẽ hủy hoại sự cân bằng sinh thái của hành tinh, các nhà khoa học đã
giúp luật hóa những vấn đề môi trường toàn cầu để làm cơ sở chính cho
chính sách quốc gia và ngoại giao quốc tế của Mỹ, mà điển hình là việc
thành lập Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) vào năm 1972.
Tuy vậy, thành tựu của các nhà khoa học vẫn phần nào chưa trọn vẹn vì
họ đã không thể ngăn chiến tranh diệt cỏ vào thời kỳ cực thịnh của nó, dù họ
đã tập trung theo đuổi việc này từ sau năm 1964. Nếu chính phủ và các quan
chức quân đội dừng chương trình tại thời điểm đó, thì chiến dịch Ranch
Hand vẫn chỉ là một chương trình nhỏ, chủ yếu mang tính thử nghiệm.
Chiến dịch sẽ chỉ tác động tới một diện tích đất khá nhỏ. Nhưng trên thực tế,
chiến tranh diệt cỏ đã cùng leo thang với chiến tranh toàn diện.
Lý do nhất quán về chiến tranh diệt cỏ mà quân đội Mỹ lặp đi lặp lại suốt
cuộc chiến là: việc sử dụng thuốc diệt cỏ cải thiện tầm nhìn ngang và từ trên
xuống ở địa hình rừng, gây khó khăn cho quân du kích khi tiếp tế cho lực
lượng hay tấn công binh sĩ, các đoàn xe và căn cứ Mỹ. Theo lý lẽ đó, chiến
dịch Ranch Hand mở rộng phạm vi lẫn cường độ phun thuốc trong thời kỳ
cao điểm chiến tranh từ năm 1966 tới 1970. Quân đội cho rằng, chiến tranh
diệt cỏ sẽ giúp chiến tranh kết thúc nhanh chóng và phục hồi vinh quang cho
chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chiến lược của các nhà hoạch định chính sách
ở Mỹ, và niềm tin chắc chắn của quân đội vào vai trò chiến tranh diệt cỏ
khiến Chất độc da cam và những hậu quả phức tạp của nó chắc chắn vẫn là
vấn đề nóng bỏng vài chục năm sau khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.