dàng với chi phí không cao, nên được coi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt”
hoàn hảo, theo thuật ngữ hiện đại, bởi vì hầu như bất cứ nhà nước hoặc thủ
lĩnh phong trào cách mạng nào cũng có thể thực hiện chiến tranh diệt cỏ,
miễn là ở nơi đó, điều kiện hệ sinh thái và chiến thuật của đối phương khiến
cho việc khai quang lãnh thổ trở thành lợi thế.
Các nhà khoa học đã chiếm ưu thế, nhờ sự ủng hộ từ các thành viên quyền
lực trong Quốc hội, như J.William Fulbright, Edward Kennedy, và những
người phản đối sự phá hủy sinh học mà quân đội Mỹ đã thực hiện tại Việt
Nam, lẫn bản thân cuộc chiến tranh. Trước khi Đạo luật về quyền chiến
tranh được ban hành vào năm 1973, sự tranh cãi xung quanh thuốc diệt cỏ là
một cơ hội lý tưởng để đấu tranh giành thắng lợi. Vào thời điểm đó, nhiều
nhà lập pháp muốn kéo Mỹ khỏi Việt Nam và hạn chế quyền lực chiến tranh
của quân đội. Sau một thời gian bế tắc kéo dài, vào năm 1975 Tổng thống
Gerard R.Ford chấm dứt việc sử dụng thuốc diệt cỏ trong chiến tranh, đi
ngược lại lời khuyên của các quan chức quân sự, những người vẫn tin tưởng
rằng sử dụng thuốc diệt cỏ là chiến lược tốt cho các cuộc chiến trong tương
lai. Bằng việc diễn đạt khẩu hiệu phản đối chiến tranh “Không để có Việt
Nam nào nữa!” theo ý nghĩa sinh thái học, các nhà khoa học đã chính thức
hóa khía cạnh đạo đức về vấn đề môi trường xuyên quốc gia thành luật quốc
tế. Phong trào khoa học chống lại Chất độc da cam phát triển, vượt trên và
góp phần chống sự phân chia lưỡng cực trong chiến tranh lạnh, vốn là căn
nguyên làm phát sinh chiến tranh diệt cỏ.
Cuốn sách này chủ yếu lý giải vì sao các nhà khoa học đã kết thúc được
chiến tranh diệt cỏ. Họ đã đạt được thành tựu đặc biệt trong phong trào phản
chiến đa dạng và rộng khắp, các thành viên phong trào đã yêu cầu chính phủ
Mỹ phải thay đổi chính sách tại Việt Nam. Cá nhân tác giả cho rằng chiến
dịch khoa học phản đối Chất độc da cam thành công là nhờ chiến dịch này
rơi vào đúng thời điểm chuyển giao chính trị ở Mỹ cuối những năm
1960, đầu những năm 1970: (1) Sự sụp đổ của chủ nghĩa can thiệp chống
Cộng vốn tiêu biểu cho chính sách đối ngoại của Mỹ; và (2) ngày càng có
nhiều người quan ngại rằng những tác động vào môi trường sẽ lan ra quy mô
toàn thế giới, mối đe dọa tới hòa bình và thậm chí cả sự sống còn của loài