Những hậu quả mà chất độc da cam gây ra cho sức khỏe của hệ sinh thái
và con người vẫn luôn là một chủ đề được quan tâm nghiên cứu. Các chuyên
gia y tế tiếp tục tranh luận rằng rất nhiều bệnh - bao gồm ung thư, tiểu
đường và dị tật bẩm sinh ở những người dân Việt Nam, cựu chiến binh Mỹ
và Việt Nam, thậm chí cả con cháu của họ - đều bắt nguồn từ việc tiếp xúc
với Chất độc da cam. Mối quan tâm này không chỉ giới hạn trong những
người trực tiếp tham gia chiến tranh. Các nhà sinh thái học của chính phủ
Việt Nam cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGO) phương Tây vẫn tiếp
tục xác định và khắc phục những thiệt hại sinh thái do chiến tranh diệt cỏ.
Từ năm 1976, chính phủ Việt Nam thống nhất bắt đầu công cuộc tái phủ
màu xanh tại những khu vực nông thôn từng bị phun thuốc dày đặc. Chương
trình đã đạt được những thành tựu đặc biệt. Khu vực rừng đầm lầy ven biển,
hay còn gọi là rừng đước ngập mặn, mặc dù đã hứng chịu hậu quả chiến
tranh lớn nhất trong khu vực, nhưng đã phục hồi gần như hoàn toàn. Một
nhà khoa học của chính phủ Việt Nam, Phùng Tửu Bôi, đã có một phương
pháp tài tình để bảo vệ rừng nhiệt đới bản địa trước sự xâm lấn của những
giống cây ngoại, vốn cắm rễ tại đây khi những cây ưu trội chết do bị phun
thuốc độc. Giáo sư Bôi đã cho trồng những giống cây ngoại có giá trị
thương phẩm cao để che bóng cho đến khi cây con nội địa đủ sức hấp thụ
trực tiếp ánh nắng mặt trời. Cư dân vùng lân cận có thể thu hoạch cây che
bóng để bán.
Chiến dịch Ranch Hand cũng đã tạo ra những “điểm nóng” ở những khu
vực bị phun nhiều thuốc và những bãi kho từng chứa hàng ngàn container
thuốc diệt cỏ. Dioxin, (viết tắt của chất 2,3,7,8 - tetrachlorodibenzo-para-
dioxin - hay TCDD, là một sản phẩm phụ độc hại của loại 2,4,5-T chuyên
dụng trong quân sự - tồn tại dai dẳng trong những khu vực này. Hợp chất kỳ
lạ và nguy hiểm này đã khiến Chất độc da cam trở nên nổi tiếng, trong khi ít
người nghe về những thuốc diệt cỏ như Chất Xanh (một loại thuốc diệt lúa
làm từ thạch tín) và Chất Trắng (chứa chủ yếu chất 2,4-D, vẫn được sử dụng
rộng rãi để trừ cỏ dại cho các bãi cỏ trồng và trong nông nghiệp). Phần lớn
các nhà khoa học Việt Nam tin rằng các “điểm nóng dioxin” là nguyên nhân
gây dị tật bẩm sinh ở hàng nghìn người dân. “Làng Hòa Bình” Việt Nam,