định hễ trời ấm lên một chút là sẽ trốn về Moxkva. Nàng cũng đã có
được đủ trí khôn để giấu những ý định ấy đi, Alekxêy và Matriôna chỉ
thấy nàng vui lên, vừa làm việc vừa hát khe khẽ.
Bây giờ trong bữa ăn trưa hay ăn tối (vào lúc khác hắn đi đâu vắng
suốt ngày) Alekxêy luôn luôn nháy mắt vui vẻ nói: "Thế này mới ra
dáng cô dâu chứ..." Độ rày Alekxêy cũng vui hẳn lên: hắn đã được hội
đồng dân làng cho phép dỡ tòa nhà dọc của lão bá tước và chở gạch, gỗ
về sân nhà mình.
Đầu tháng giêng, khi Hồng quân đã chiếm Kiev, có một đơn vị bộ
đội đi qua làng Vlađimirxkôiê, và trong một buổi mít-tinh Alekxêy đã
là người kêu gào ủng hộ chính quyền Xô-viết trước tiên. Nhưng chẳng
bao lâu sự tình đã chuyển hướng khác hẳn.
Một đồng chí Yakôv nào đấy được phái đến làng này. Ông ta tịch thu
ngôi nhà rất tốt của ông linh mục, bắt hai vợ chồng ông ra ở nhà tắm.
Rồi ông ta ra triệu tập một cuộc mít-tinh, đặt vấn đề như sau: "Tôn giáo
là thuốc phiện đầu độc nhân dân. Ai phản đối việc đóng cửa nhà thờ là
kẻ ấy chống chính quyền Xô-viết...", rồi không cho ai phát biểu hết,
ông ta cho biểu quyết và niêm phong nhà thờ lại. Sau đó ông ta tách
những người cố nông và bần nông không có ngựa, cả thảy chừng bốn
mươi người, ra khỏi tất cả những người nông dân khác trong làng. Với
bốn mươi người ấy, ông ta tổ chức một ủy ban dân nghèo. Tập hợp họ
lại trong nhà ông linh mục, ông ta nói một cách hằn học cường điệu:
- Người mu-gích Nga là một con vật ngu dốt. Họ đã sống hàng nghìn
năm trong đống phân. Ngoài nỗi oán giận ngu xuẩn và lòng tham
không đáy, trong tâm hồn họ không có gì và không thể có gì hết. Chúng
ta không tin bọn mu-gích và sẽ không bao giờ tin họ. Ta nương nhẹ họ
trong khi họ còn là bạn đồng hành của ta, nhưng chỉ ít nữa ta sẽ không
bao giờ tin họ. Ta nương nhẹ họ trong khi họ còn là bạn đồng hành của
ta, nhưng chỉ ít nữa ta sẽ không nương nhẹ như thế nữa. Các người là
giai cấp vô sản ở nông thôn, các người phải nắm vững lấy chính quyền,
phải giúp chúng tôi bẻ gãy cánh của bọn mu-gích.