A.TÔLXTÔI và "CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ"
Từ "bá tước Tôlxtôi đến đồng chí Tôlxtôi"
Nếu ví văn học Nga thế kỷ 19 như một cánh rừng đại ngàn thì
Puskin, Lermantov, Gôgôl, Turghênhiev, Lev Tôlxtôi, Đôxtôiépxki,
Tsêkhốv... là những đại thụ của rừng Nga mênh mông ấy. Các nhà văn
Xô viết trong thế kỷ này cũng đã tạo ra một rừng Nga mới, trong đó
cũng có những cây lớn mà bóng mát hẳn sẽ che rợp cho cả thế hệ mai
sau.
Lần lượt ta có thể điểm qua: Corki, con người khổng lồ của nền văn
học Xô viết, cái gạch nối vĩ đại giữa văn học cổ điển Nga với nền văn
học mới, người mở ra kỷ nguyên của nền văn học vô sản toàn thế giới.
Maiacôvxki, nhà thơ Xô viết vĩ đại, Đăng tơ của thời đại mới, người
bằng trái tim lớn đập mãnh liệt trong lòng ngực khỏe của mình, lần đầu
tiên kết hợp thành công thơ ca và chủ nghĩa cộng sản. Sôlôkhôv, cánh
chim đại bàng đã bất thần vẫy lên đôi cánh mênh mông trong văn học,
người đã khắc họa vận mệnh của nhân dân Nga trong tiểu thuyết bằng
những nét dao trổ tàn nhẫn, với một vẻ đẹp chói gắt, xốn xang... Và
Phađêev, và Phuốcmanôv, và Axtơrốvxki... những nhà văn bước thẳng
từ chiến trường nội chiến vào văn học, đã để lại những tiểu thuyết
Chiến bại, Tsapaev, Thép đã tôi thế đấy như là những tượng đồng đen
vững chắc trong văn học.
Giữa những nhà văn ấy, con người có khuôn mặt hiền lành phúc hậu
không lẫn với ai - A.Tôlxtôi - đã bước vào văn học Xô viết bằng con
đường riêng của mình.
Sinh năm 1889, A.Tôlxtôi đã qua thời thơ ấu tại một châu thành nhỏ
trên bờ sông Vôlga nước Nga, con sông mà những người nông nô đã
còng lưng kéo thuyền trong bức họa nổi tiếng của Rêpin
. Thời thơ ấu ấy hẳn đã qua đi một cách thanh bình trong một gia
đình quý tộc nhỏ, yêu văn chương và có truyền thống văn chương: