như Đôxtôievxki, ông cho rằng chỉ có tình yêu, lòng nhẫn nại và sự hối
hận mới cứu được xã hội.
Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất, A.Tôlxtôi làm phóng viên mặt
trận cho tờ Tin tức Nga. Những bài báo, truyện ngắn viết về chiến tranh
của A.Tôlxtôi trong thời gian này chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa sô-
vanh tư sản. Tuy thế, thời gian này đã cho A.Tôlxtôi những kinh
nghiệm sống cụ thể, một vốn dự trữ giàu có về cuộc sống và con người
trong chiến tranh.
Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ. Vốn là một nguời trí thức
trung hậu nhưng ngây thơ về chính trị; ngơ ngác, bàng hoàng trước
biến động kinh thiên động địa này của nước Nga, A.Tôlxtôi đã "di tản"
sang Paris.
Nhưng thời gian sống xa Tổ quốc, trái tim tha hương của A.Tôlxtôi
vẫn đau đáu hướng về đất nước. Ông đã thấm thía thế nào là Tổ quốc,
là "mặt trời của mình trên mái nhà của mình". Về sau, ông đã viết:
"Cuộc sống lưu vong là thời kỳ nặng nề nhất của đời tôi. Trong cuộc
sống đó tôi đã biết thế nào là hạng người sống tách rời Tổ quốc, vô
dụng, không đáng giá gì và không cần thiết cho một ai".
Trong tâm trạng bơ vơ, buồn chán của những ngày xa Tổ quốc ấy,
A.Tôlxtôi đã viết cuốn Hai chị em. Cuốn sách như một lời tâm sự của
chính A.Tôlxtôi. Qua dòng đời nhỏ hẹp và bế tắc của các nhân vật,
A.Tôlxtôi muốn gởi vào đấy nỗi buồn và sự đau xót trước một cái gì
đang tàn lụi không phương cứu chữa, và tự đáy lòng, ông hi vọng ở
hạnh phúc, tuy đó chỉ là một niềm hi vọng mong manh như những tia
nắng cuối thu.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, A.Tôlxtôi đã viết một cách xúc động:
"Cuốn Hai chị em đi vào đoạn kết thúc. Nhưng cùng với cái kết thúc
ấy, một ý nghĩ ngày một chín thêm rằng, cuối cùng, cái điều chủ yếu
nhất tôi vẫn chưa hiểu ra, rằng chỗ đứng của người nghệ sĩ không phải
ở đây, giữa cái cảnh yên lặng, xen lẫn tiếng rì rào của những đợt sóng