CON ĐƯỜNG HÓA RỒNG CỦA VIỆT NAM - Trang 19

Điều đáng lưu ý là, những chỉ số này được đánh giá khi chúng ta đã biết
quá rõ những căn bệnh của nền kinh tế và đã sửa đổi và ban hành rất nhiều
luật mới nhằm làm cho môi trường kinh doanh ngày càng trở nên thông
thoáng hơn, song quá trình thực thi của bộ máy hành chính còn chậm trễ và
nhiều nhiêu khê. Đặc biệt là việc thực thi các văn bản dưới luật, hướng dẫn
thực hiện luật còn nhiều yếu kém, lủng củng. Tình trạng ra các Nghị định,
Thông tư mâu thuẫn với Luật vẫn tồn tại. Tình trạng "trên mở dưới khép",
“trên bảo dưới không nghe”, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu lực là
những căn bệnh đã từng tồn tại hàng chục năm nay mà không có cách nào
chữa trị.
Báo cáo của WEF được coi như là một “xét nghiệm” của nền kinh tế giúp
chính phủ các nước sẽ nhìn vào bảng xếp hạng này để thấy trong năm nay,
nước mình có sự thay đổi như thế nào, vị trí ra sao trong tương quan với
các nước khác. Từ đó, xem xét lại tất cả các chính sách của mình, nhất là
đối với các lĩnh vực được xếp hạng. Báo cáo của WEF cũng có tính chỉ
dẫn, tham khảo cho các nhà đầu tư khi họ lựa chọn đầu tư vào một nước
nào đó. Đối với một doanh nhân khi tìm kiếm nơi đầu tư sẽ chọn nơi nào có
chỉ số tốt hơn.
Như đã nói ở phần trên, tỷ lệ tăng trưởng 7,7% trong bối cảnh có sự tiếp
sức mạnh mẽ của nguồn kiều hối từ nước ngoài chưa phải là thành tích gì
đặc biệt, nếu không muốn nói là quá tệ. Sự đánh giá khách quan của một tổ
chức kinh tế có uy tín như Diễn đàn kinh tế thế giới không khỏi làm cho
chúng ta lo âu. Dẫu có yêu mình đến mấy cũng nên nhìn thẳng vào thực
trạng này. Chừng nào còn né tránh, chúng ta vẫn sống trong vòng luẩn quẩn
của nghèo nàn và nguy cơ tụt hậu là quá rõ. Để có một cách nhìn thấu đáo
vào thực trạng nền kinh tế, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét trong bài sau:
Những lực cản của nền kinh tế.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.