lẽ sẽ không nhanh. Có lẽ sẽ không giống như những gì sách nói. Nhưng
nếu họ bỏ hết những biểu đồ tăng trưởng và phát triển kia đi, thay vào
đó là những mục tiêu, kế hoạch rõ ràng và gắt gao của mình thì sao?
Nếu họ kiên trì hy vọng bất chấp cả thời gian? Làm thế thì có hại gì
đâu? Sao lại không thử cơ chứ?
Phải, sao lại không nhỉ? Họ bắt đầu gặp nhau thường xuyên, ở đây
hoặc ở nhà Sandra khi có mặt cả mấy đứa con trai lớn bướng bỉnh của
cô. Họ mang theo sách vở và đồ chơi, bài nghiên cứu và những câu
chuyện, và cả kinh nghiệm của riêng mình – Caroline có kinh nghiệm
của một y tá, Sandra lại có kinh nghiệm của một giáo viên và một bà
mẹ của bốn đứa con. Có rất nhiều phương pháp chỉ xuất phát từ suy
nghĩ thông thường. Ví dụ khi Phoebe cần học lẫy, cứ đặt một quả bóng
màu sặc sỡ ngoài tầm với của nó; khi Tim cần học cách kết hợp hành
động, cứ đưa cho thằng bé một chiếc kéo cùn cùng tập giấy màu và để
nó tự cắt. Những dấu hiệu tiến bộ biểu hiện rất chậm chạp, đôi khi
không thể nhận thấy được, nhưng đối với Caroline, những giờ phút ấy
đã trở thành sự cứu rỗi.
“Hôm nay trông chị mệt mỏi quá,” Sandra nói.
Caroline gật đầu. “Tối qua Phoebe bị ho bạch hầu. Thực sự tôi cũng
không biết con bé trụ được bao lâu nữa. Tai của Tim sao rồi?”
“Tôi thích ông bác sĩ mới lắm,” Sandra nói, đoạn ngồi ngả ra. Ngón
tay của cô dài và thô; cô mỉm cười với Tim và đưa cho thằng bé một cái
cốc màu vàng. “Ông ấy có vẻ tận tâm lắm, chứ không xua chúng tôi đi
đâu. Nhưng mà tình hình cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Tim hơi có
vấn đề về thính giác, thế nên thằng bé học nói mới chậm như thế. Đây
này, con ngoan,” cô nói, gõ nhẹ lên cái cốc thằng bé vừa đánh rơi. “Cho
cô Caroline với em Phoebe xem con làm được gì đi nào.”