Vài giờ sau, ông đạo sĩ bắt ma và người phụ lễ của ông ta đã đứng
trong sân nhà chúng tôi.
Ông đạo sĩ có bộ râu trắng, mái tóc dài rối bời như tổ chim. Một tay
ông chống gậy trông giống như một con chó đang vươn đầu qua cổng. Tay
kia ông cầm một cái roi ngắn. Sau lưng ông là một cái tay nải buộc lủng
lẳng một cái chuông gỗ lớn. Bộ quần áo chùng của ông ta không phải là
bằng vải màu vàng như phần lớn các đạo sư khất thực mà tôi thường gặp.
Áo quần của ông ta bằng lụa xanh có vẻ đắt tiền, nhưng ống tay áo lại dính
đầy mỡ như thể ông ta thường với tay qua bàn để chộp được nhiều đồ ăn
hơn.
Tôi hau háu quan sát cảnh mẹ mời ông ta ăn những món đồ nguội đặc
biệt. Trời đã xế chiều và chúng tôi ngồi cả ở ngoài sân trên những chiếc ghế
đẩu. Ông đạo sĩ tự mình gắp thức ăn lia lịa – mì với rau bí na, măng với
tương mù tạt, đậu hũ với dầu mè và rau mùi. Mẹ cứ xin lỗi mãi về chất
lượng các món ăn, nói rằng mẹ với lấy làm hân hạnh và xấu hổ đón mừng
ông trong tệ xá của bà. Cha đang uống trà. "Bảo chúng tôi xem phải làm
gì," ông nói với đạo sĩ "với cái việc trừ ma bắt quỷ ấy. Ông bắt bằng tay
không à? Việc ấy có dữ dội hoặc nguy hiểm không?"
Ông thầy trừ quỷ trả lời ông sẽ nhanh chóng cho chúng tôi biết.
"Nhưng trước tiên tôi cần bằng chứng về sự thành tâm của ông". Cha tôi
nói vài lời rằng chúng tôi hoàn toàn thành tâm. "Lời nói không phải là bằng
chứng" Ông thầy pháp nói.
"Làm sao ông chứng minh được lòng thực của ông?" Cha hỏi. "Trong
một số trường hợp, một gia đình có thể đi từ đây đến đỉnh Thái Sơn rồi
quay lại, đi chân không và mang về một ít đá". Mọi người, đặc biệt là các
bà thím lộ vẻ không tin là có ai trong chúng tôi có được cái khả năng ấy.