ở nhà tu kín, tên thánh là Gianna Ðoàn Thị Phượng". Tôi giật mình, nhớ
đến giai thoại ngày xưa kể về Mẹ Cả.
Ông thường trực không biết gì thêm. Ðang nghỉ hè, sân truờng vắng
ngắt. Tôi lang thang ở trong thị xã, không biết hỏi ai. Cuối cùng tôi nảy ra ý
định vào nhà tu kín.
Bà Nhất tiếp tôi. Bà đã luống tuổi, có đôi mắt hết sức u sầu. Bà Nhất
bảo: "Gianna Ðoàn Thị Phượng ở nhà tu này từ sáu đén mười hai tuổi. Cha
mẹ cô ta nhờ tôi nuôi dạy". Tôi ngạc nhiên: "Sao bảo Gianna Ðoàn Thị
Phượng là Mẹ Cả, là con gái thủy thần ?" Bà Nhất bảo: "Cha mẹ Gianna
Ðoàn Thị Phượng ngoài Hà Nội. Cô ấy là con riêng ông Ðoàn Hữu Ngọc,
buôn nước mắm". Tôi thẫn thờ buồn bã ra về. bà Nhất bảo: "Tôi không biết
Mẹ Cả của anh, còn Gianna Ðoàn Thị Phượng là con của Chúa. Ông Ðoàn
Hữu Ngọc gửi con vào trong nhà Chúa như gửi con vào nhà trẻ, nhưng
Chúa không giận. Chúa tha thứ, Chúa vốn nhân từ".
Ðêm ấy, tôi ngồi ngoài hè tường nhà tu kín. Ðường phố thị xã xe chạy
ầm ầm tôi không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, tôi xuôi đường đê tìm
đường về đền Tía.
Ðền Tía ngay sông, chênh vênh trên một kè đá xây cất công phu. Ông từ
giữ đền Tía tên Kiệm, làm nghề đánh cá, trạc sáu mươi tuổi, ở ngay trong
đền. Tôi vào trong đền, thấy cá phơi đầy trong sân, Gác cả trên hai thanh
cột quá giang. Ông Kiệm cho tôi nhắm rượu cá nướng. Ông Kiệm bảo: "Tôi
giữ đền này hơn bốn mươi năm, ở một mình, nuôi mỗi con rùa làm bạn".
Ông chỉ cho tôi con rùa buộc dây nằm dưới gậm giường. Tôi hỏi ông về Mẹ
Cả. Ông Kiệm bảo: "Tôi không biết. Nhưng trận bão ấy thì nhớ, sét đánh
cụt ngọn cây muỗm ở trên bãi Nổi, cậu phải về đấy hỏi xem".
Tôi ở chơi với ông Kiệm buổi sáng, dọn giúp chỗ mái đền dột. Buổi
trưa, tôi chào ông Kiệm, tắt đồng đi về bãi Nổi.