Một tiếng bục rất to ở đoạn lưng con bối còng! Từ trên chòi cao
ông nhảy tắt xuống đường. Tiếng người thất thanh lóe xóe trong
đêm, những bó đuốc vội vàng được đốt lên. “Vỡ bối rồi. Làng
nước ơi vỡ bối mất rồi!”. Bục, bục liên tiếp vỡ chỗ này vỡ chỗ kia,
con bối toác ta, đứt vừa từng khúc như khúc ruột. Nước ầm ào,
cuồn cuộn như thác cuốn trôi những cây nhãn rặng nhãn dưới chân
bối. Những đoạn bối chưa vỡ, mặt bối bùng nhùng nhũn như cháo,
nước dập dềnh trườn sang bên kia. Mã hét to: “Bà con ơi không cứu
được nữa rồi. Đề nghị bà con nhanh chân về nhà, không chết
hết bây giờ!...”. Người dân hớt hải chạy về nhà, giống như cảnh
phá kho thóc của Nhật. Không phải bà con chạy về nhà để cõng cứu
người già em nhỏ, bốc vác bưng bê thóc gạo lợn gà mang lên đê quai
chạy lũ. Bà con chạy về làng để cứu con đê quai, bảo vệ con đê quai.
Bởi bảo vệ con đê quai nghĩa là bảo vệ được mái nhà và tất cả không
bị lũ cuốn đi.
Không gì mạnh bằng sóng thần, bằng sức mạnh của thác lũ.
Nạn hồng thủy ào ạt xông vào đê quai.
Theo lệnh ông Mã, dân làng già trẻ gái trai lội xuống chân đê
đứng sát bên nhau thành một hàng rào sống, chắn cho con sóng
không trực diện đánh thẳng vào những đoạn đê yếu. Con gái con trai
thanh niên khỏe mạnh, xốc vác vác những bao cát hất xuống
dòng, bà con phía dưới xếp bao cát chồng lên nhau chắn sóng.
Ông chủ tịch cũng quăng mình xuống dòng nước cùng dân. Ông gia
lệnh tháo cả những cánh cửa đền, chùa, cổng làng trường học làm
bia chắn sóng cứu đê.
Trọn một đêm sức người hợp lực chống chọi với con lũ. Con đê
quai lành hiền đã được cứu sống. Nhà cửa, xóm làng được cứu
sống. Tài sản hoa màu được cứu sống. Bà con trong xã nhìn Mã
như một vị anh hùng.