có rất nhiều dạng. Có dạng người bệnh biểu hiện lầm lì, sợ đông
người, cứ ru rú trong buồng tối. Có người thờ ơ, lãnh đạm, không
chuyện trò với ai. Trường hợp tâm thần của ông Hạnh là dạng bệnh
Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Nguyên nhân là do sức ép ở
chiến trường từ tiếng nổ quá lớn của bom tấn, bom tạ chẳng hạn.
Hằng ngày, Hạnh bình thường như người khỏe mạnh, không có chút
gì biểu hiện của bệnh. Nhưng khi bị ức chế, nhớ về quá khứ, nhớ
về kỷ niệm, những điều đó kích động đến tâm lý, tác động đến
não khiến Hạnh hoảng loạn và hoang tưởng. Ví dụ như, nghe thấy
tiếng động lớn, tiếng nổ, Hạnh lập tức một bàn tay làm súng, một
tay kia đỡ súng, lom khom, lom khom hệ trọng bước từng bước, nheo
mắt ngắm, bắn phằng, phằng, phằng như bắn súng thật.
Trong cơn hoang tưởng, ông không còn là con người nữa, mà là một
con thú. Khi ấy ông không làm chủ được mình, mắt hoang dại như
con vật. Trong tình trạng đó, nếu chúng ta không biết cách làm dịu
thì rất có thể không lường trước được điều gì sẽ xảy ra với những
người có mặt lúc ấy. Những điều tương tự như vậy là chuyện thường
xuyên xảy ra trong bệnh viện này.
Bác sĩ còn nói rằng, ngay từ những ngày đầu chuyển về đây,
trong một lần trốn viện, trên đường đi bộ về nhà, ông Hạnh gặp
một người làng, họ đi qua và nhận ra ông ấy. Người làng là một phụ
nữ. Chị ta kể hết sự tình về mẹ tôi cho ông Hạnh nghe rằng, mẹ tôi
chửa hoang, rằng mẹ tôi đang ở với ông Mã. Câu chuyện đó đã ảnh
hưởng lớn tới bệnh tâm thần hoang tưởng của ông Hạnh. Người đàn
bà này đã phản bội ta. Thế mà cả quãng đời chinh chiến ta chỉ nghĩ
về nàng, nhớ nàng, yêu thương nàng. Ta quyết chiến và ta đã
gắng sống để trở về với nàng, bù đắp cho nàng những tháng ngày
chia xa. Ta những tưởng nàng đau khổ vì nhớ ta, yêu ta. Sự thật, nàng
không như ta nghĩ. Nàng hèn hạ sống với người đàn ông khác không
mảy may ý nghĩ đợi ta trở về. Hôm nay, nàng là kẻ thù. Nàng đến
để giết ta!