biết gì chuyện của hai người, họ biết gì tâm tư của mẹ? Kẻ đó là ai?
Ai độc ác biến mẹ thành kẻ thù, thành hiểm họa của ông?
Mùa nhãn chín, cả làng, nhà ai cũng treo đồ loang xoảng trên cây
buộc vào cột nhà để thỉnh thoảng kéo dọa dơi ăn nhãn. Đêm không
ngủ, mẹ tức giận, băm bổ ra sân hùng hục kéo dây thừng cho cái cối
đá treo trên cây nhãn trong cái vỏ thùng lương khô kêu choang
choang. Mẹ kéo liên hồi, kéo hùng hục, mồ hôi ướt như tắm. Đàn
dơi sợ hãi bay ràn rạt. Tiếng choang choang, bục bục đuổi dơi ăn
nhãn của mẹ làm hàng xóm cũng lục tục dậy làm theo. Người ta sợ dơi
bên nhà mẹ chạy sang cây, ăn nhãn nhà họ. Thế là cả một dàn đồng
thanh rộn rã khắp làng choang choang, bục bục đuổi dơi ăn nhãn
đang mùa chín rộ. Một đêm cả làng không ngủ.
Nằm trong viện Điều dưỡng ông Hạnh cũng không ngủ được.
Nghe tiếng bục bục choang choang từ ngoài làng vọng lại, ông Hạnh
ngỡ mình đang ở chiến trường, trận chiến bắt đầu, bom nổ ùng
oàng. Ông giơ hai tay nắm vào nhau như khẩu súng lục, hô: Bắn!
Bắn! Bắn!
Choang choang, bục bục, bắn bắn, những chiến binh trong viện
Điều dưỡng bệnh tâm thần cũng đồng thanh la hét “Xung phong,
xung phong, anh em ơi, bắn, bắn, bắn!!!!”. Một đêm, cả bệnh viện
lẫn xóm làng náo loạn như một trận địa.
Trưa. Mẹ đi chợ bán nhãn về, dưới bóng nhãn mát rượi sân nhà,
mẹ thấy ông Hạnh đang chơi bi với con trai. Mẹ đứng lặng ngắm
nhìn. Lần đầu tiên trong đời mẹ thấy hình ảnh này. Như thể thấy
chồng mình, bố của con trai mình đang làm trẻ con say sưa chơi trò
chơi với con trai. Ông Hạnh hồn nhiên nheo mắt, xoáy những viên
bi bắn xa quay tít. Thằng bé ngưỡng mộ tít mắt cười thán phục.
Hạnh cũng hạnh phúc cười theo.