17
Thắm và Hạnh, hai đứa có một người bạn thân duy nhất đó là
chị Hải.
Chị Hải là một cô gái từ quê khác về làm dâu làng tôi. Hôm cưới
chị Hải lấy anh Hải, ai cũng tấm tắc khen, anh Hải keo kiệt lấy
được cô vợ xinh. Thế mà đến sớm hôm sau, cô dâu rửa bát cầu ao,
trẻ con chăn trâu đã có bài đồng thanh: “Hải cọm kiết sỉ kiệt keo.
Lấy phải cô vợ bị khèo một tay”.
Nghe trẻ con kêu tên kêu tật của mình, cô dâu xấu hổ chạy vào
nhà. Bọn trẻ thừa thắng càng la to: “Hải cọm kiết sỉ kiệt keo. Lấy
phải cô vợ bị khèo một tay”.
Thế là từ đó, vợ anh Hải rất ngại ra đường, ngại tiếp xúc với
xung quanh. Đi đâu chị cũng mặc áo có tay thật dài, bịt khăn kín mặt.
Người ta bảo, vợ chồng mới, có khác nào vợ chồng sam, đi đâu,
làm gì cũng có nhau. Ác thay, chỉ vì câu hát vè bông đùa của bọn trẻ,
vợ chồng anh Hải không có được hạnh phúc ấy. Ngày lại ngày, mùa
nhãn, sớm tinh mơ, chị em phụ nữ hàng nối hàng kĩu kịt gánh nhãn
trên vai, tung tẩy, rổn rảng nói cười trên con đường đê yên ả chạy dài
tới tận chợ bán nhãn. Là dâu mới nơi đất khách, chị Hải bỡ ngỡ, ngại
ngùng. Vì thế, người nhà quê tâm lý, ai cũng đon đả nồng hậu với
chị. Nhưng, bài đồng dao thể hiện sự tinh mắt soi xét người lạ của
bọn trẻ đã làm chị sợ. Chị tự ti, xấu hổ, chị ngại đám đông, lặng lẽ
một mình.
Đợi tiếng nói, tiếng cười của chị em trong làng thật xa, không
còn nghe thấy nữa, chị Hải mới lủi thủi, kẽo kẹt gánh nhãn đằng
sau, đơn chiếc như một nàng chim di trú bị lạc bầy.