40
Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi chết thật.
− Shakespeare, Julius Caesar, 11, 2
Tôi luôn thấy được sự xung đột giữa lòng tận tụy của Belbo khi làm việc với các
tác giả đáng kính của Garamond, nỗ lực của anh ta để lấy được từ họ những cuốn
sách khiến anh ta có thể tự hào, với cái lối anh ta, bằng thứ nhiệt tình kẻ cướp,
góp phần vào trò lừa bịp các tác giả xấu số của Manutius, thậm chí chuyển tới
đường Marchese Gualdi những người bị anh ta cho là không phù hợp với
Garamond, như tôi đã thấy anh ta định làm với đại tá Ardenti.
Làm việc với Belbo, tôi thường tự hỏi vì sao anh ta lại chấp nhận sự sắp đặt
này. Tôi không nghĩ là vì tiền. Anh ta đủ thạo việc để tìm một vị trí có đồng
lương khá khẩm hơn.
Trong một thời gian dài, tôi nghĩ anh ta làm thế bởi vì nó cho phép anh ta
theo đuổi việc nghiên cứu sự rồ dại của con người từ một điểm quan sát lý tưởng.
Như anh ta không bao giờ mệt mỏi chỉ ra, anh ta bị mê hoặc bởi thứ mà anh ta
gọi là sự ngu ngốc - cái sự ngộ biện chắc như đinh đóng cột, sự điên rồ quỷ quyệt
ẩn sâu dưới lý lẽ hoàn hảo. Nhưng ngay cả điều ấy cũng chỉ là một cái mặt nạ.
Chính Diotallevi mới là người làm vậy cho vui, hoặc có lẽ hy vọng rằng một
cuốn sách của Manutius biết đâu một ngày nào đó lại đưa ra một kết hợp vô tiền
khoáng hậu của kinh Torah. Và cả tôi cũng tham gia để cho vui, để mỉa mai, vì tò
mò, đặc biệt sau khi Garamond tung ra Dự án Hermes.
Với Belbo đây lại là chuyện khác. Chỉ đến khi đọc được các file văn bản của
anh ta tôi mới ngộ ra điều ấy.
Vendetta tremenda vendetta.doc
Nàng cứ thế xuất hiện. Dù có những người khác trong văn phòng, nàng vẫn túm lấy ve áo tôi, ghé mặt
tới, hôn tôi. Bài hát đó thế nào nhỉ? “Anna kiễng chân hôn tôi.” Nàng hôn tôi như thể nàng đang chơi
pinball.
Nàng biết điều ấy làm tôi lúng túng. Ném tôi vào thế khó.
Nàng không bao giờ nói dối.
Em yêu anh, nàng nói.