63
“Con cá ấy gợi anh tới điều gì?”
“Con cá khác.”
“Và con cá khác kia gợi anh tới điều gì?”
“Con cá khác.”
− Joseph Heller, Catch 22, New York,
Simon & Schuster, 1961, xxvii
Tôi từ Piemonte quay về lòng nặng trĩu tội lỗi. Nhưng ngay khi thấy Lia, tôi liền
quên những dục vọng đã lướt qua mình.
Tuy nhiên, cuộc thăm thú kia vẫn để lại những dấu ấn khác trên tôi, và giờ
thì tôi thấy băn khoăn vì khi ấy tôi đã không băn khoăn về chúng. Tôi đang chỉnh
trang lại lần cuối, chương này qua chương khác, những minh họa cho cuộc du
hành kỳ thú của kim loại, nhưng lại một lần nữa tôi khó lòng lảng tránh con quỷ
của sự tương đồng, khó lòng mà lảng tránh hơn so với thời gian tôi ở Rio. Cái lò
Réaumur hình trụ ra đời năm 1750 này khác biệt thế nào với phòng ấp trứng kia,
hay với lò giả kim thế kỷ 17 kia, tử cung người mẹ, cái tử cung tối om cho sự
sáng tạo của những kim loại huyền bí có Chúa mới biết? Cứ như thể người ta đã
đặt cả Bảo tàng Đức vào trong pháo đài Piemonte mà tôi ghé thăm tuần trước đó.
Tôi ngày càng thấy khó phân biệt giữa thế giới ma thuật với thứ mà ngày
nay chúng ta gọi là thế giới những thực hiện. Những nhân vật mà hồi tôi còn đi
học người ta dạy tôi là những người mang tới khai sáng về toán học và vật lý học
giờ hóa ra lại nằm trong bầu âm u của dị đoan, bởi tôi khám phá ra rằng họ đã
làm việc mà một chân đặt trong phòng thí nghiệm còn chân kia bên Kabbalah.
Hay phải chăng tôi đang đọc lại toàn bộ lịch sử qua con mắt những Quỷ giả của
chúng tôi? Nhưng rồi tôi lại tìm ; thấy những văn bản đánh bại mọi ngờ vực cho
tôi biết rằng vào thời đại của chủ nghĩa thực chứng, những nhà vật lý hiếm khi ló
mặt ra khỏi cổng trường đại học lại học đòi đi gọi hồn và sinh hoạt chiêm tinh, và
Newton đã đi tới định luật vạn vật hấp dẫn bởi vì ông ta tin vào sự tồn tại của
những lực lượng huyền bí, và điều này gợi ta nhớ tới những tìm tòi của ông ta về
vũ trụ luận của Hội Thập tự Hoa hồng.