điền thấy mình bị bóc lột còn người chủ đất cũng có cảm giác tương tự khi chỉ
nhận được nửa huê lợi mà đất đai của mình mang lại. Chủ đất ghét tá điền và tá
điền ghét chủ đất. Nhưng trong trường hợp của dượng Carlo, họ sống sát vách
nhau.
“Năm 1914, dượng Carlo gia nhập nghĩa quân vùng cao. Một người
Piemonte cục mịch, chỉ biết tới nhiệm vụ và Tổ quốc, dượng được thăng cấp
trung úy, rồi đại úy. Ngày nọ, trong một trận chiến ở Carso, dượng ở cạnh một gã
lính ngu ngốc để lựu đạn nổ trong tay - nếu không sao lại gọi là lựu đạn cầm tay
cơ chứ? Dượng Carlo sắp bị ném vào huyệt tập thể thì một lính cần vụ phát hiện
ra dượng vẫn còn sống. Họ đưa dượng vào một bệnh viện dã chiến, cắt bỏ con
ngươi đã lòi ra khỏi hốc mắt, cắt bỏ thêm một cánh tay và theo lời dì Caterina họ
cũng vá thêm một miếng kim loại vào đầu dượng vì dượng mất một ít xương sọ.
Nói cách khác, một mặt là một kiệt tác dao kéo, mặt kia là người anh hùng. Mề
đay bạc, tước kỵ sĩ Hoàng gia Ý, và sau chiến tranh là một vị trí ngon nghẻ ổn
định trong cơ quan công quyền. Cuối sự nghiệp, dượng Carlo là trưởng phòng
thuế ở ***, cũng là nơi mà sau khi thừa kế gia sản dòng họ dượng chuyển đến
sống trong dinh cơ tổ tiên để lại. Nhà Adelino Canepa ở tầng trệt còn nhà dượng
Carlo ở các tầng trên.
“Trong tư cách trưởng phòng thuế, dượng Carlo là một nhân vật quan trọng
ở địa phương, và trong tư cách một thương binh, một kỹ sĩ Hoàng gia Ý, rất tự
nhiên dượng được phân vào phe chính phủ mà lúc đó vô tình là nền độc tài phát
xít. Vậy dượng Carlo có phải một tên phát xít?
“Thời ấy chính quyền phát xít ban địa vị cho các cựu binh và thưởng họ
huân chương cùng chức vị; vậy nên chúng ta hãy cho rằng dượng Carlo tương đối
phát xít. Đủ phát xít để có lý do rõ ràng cho Adelino Canepa, một người hăng hái
chống Phát xít, thù ghét. Hằng năm Canepa phải tới gặp dượng Carlo để khai lợi
tức. Ông ta sẽ hiên ngang mang bộ mặt đồng lõa tới văn phòng, sau khi đã cố
gắng hối lộ dì Caterina vài chục trứng. Và ông ta sẽ phải đối diện với dượng
Carlo, một người hùng không chỉ không thể bị mua chuộc mà còn biết rõ hơn ai
hết suốt năm qua Canepa đã ăn cắp của mình bao nhiêu và sẽ không tha cho ông
ta một hào. Adelino Canepa, coi mình là nạn nhân của nền độc tài, bắt đầu đi nói
xấu dượng Carlo. Sáng nào tối nào họ cũng gặp nhau nhưng không buồn cả chào
nhau. Việc giao thiệp được duy trì thông qua dì Caterina và sau khi chúng tôi tới
đó ở thì thông qua mẹ tôi - người mà Adelino Canepa bày tỏ bao cảm thông lẫn
thấu hiểu bởi vì bà là em vợ của một con quỷ. Tối tối cứ tầm sáu giờ, dượng tôi
mình bận vest ngực đúp, đầu đội mũ quả dưa, lại về nhà với tờ La Stampa còn