“Một ngày nọ chị tôi đang ở dưới mái hiên này thì vào trong nhà bảo mọi
người có hai gã đang cầm súng chơi đuổi bắt. Chúng tôi chẳng ngạc nhiên: họ là
trẻ nít, cả hai bên ấy, giết thời gian bằng vũ khí. Có một lần, để cho vui thôi, hai
người bắn thật, và một viên đạn găm vào một thân cây trên đường xe chạy vào
nhà. Chị tôi đang dựa vào gốc cây ấy, thậm chí chị ấy còn chẳng để ý nhưng hàng
xóm thì có, và sau đó họ bảo chị ấy rằng khi thấy có kẻ táy máy súng ống, phải
chui ngay vào nhà. ‘Họ lại nghịch đấy', chị nói và vào nhà để người ta thấy chị
biết nghe lời đến chừng nào. Và đúng lúc ấy chúng tôi nghe thấy loạt đạn đầu
tiên. Rồi loạt thứ hai, thứ ba, và rồi tiếng súng trở nên dày và nhanh. Anh có thể
nghe thấy súng lục nổ từng phát một, tiếng tạch tạch tạch của trung liên, và một
âm thanh đục hơn, có lẽ lựu đạn. Cuối cùng, súng máy. Chúng tôi nhận ra rằng họ
không còn chơi đùa cho vui nữa, nhưng chúng tôi không có thời gian mà thảo
luận, bởi vì sau đó không ai còn nghe thấy giọng của chính mình. Đoàng, oàng,
tạch tạch tạch! Cả nhà trốn chui trốn nhủi dưới bồn rửa - tôi, chị tôi và mẹ. Rồi
dượng Carlo đến, dọc theo hành lang, bò trên cả bốn chi, bảo rằng chỗ núp của
chúng tôi quá lộ liễu, mấy mẹ con nên sang cánh nhà bên dượng. Chúng tôi làm
thế, bên đó dì Caterina đang khóc bởi vì bà ngoại còn ở ngoài...”
“Có phải chính lần bà ngoại anh kẹt trên chiến trường, giữa hai làn đạn
không?”
“Làm sao anh biết chuyện đó nhỉ?”
“Anh kể với tôi vào năm ‘73, sau cái ngày biểu tình.”
“Chúa ơi, trí nhớ mới thật là tuyệt! Người ta nên cẩn thận khi phát ngôn gì
đó ở gần anh... Phải. Nhưng cha tôi lúc đó cũng ở ngoài. Và sau này chúng tôi
biết được rằng ông đã núp trong bậc thềm nhà tại thị trấn rồi không thể rời nơi đó
bởi vì khắp con phố đạn bay như mưa và từ tòa thị chính một đội của Lữ Đoàn
Đen đang quét súng máy qua quảng trường. Viên thị trưởng tiền nhiệm, một tay
phát xít, đang đứng trên cùng bậc cửa. Rồi tới một lúc, ông ta bảo sẽ chạy qua làn
đạn: chỉ cần cố chạy tới góc phố là về đến nhà. Ông ta đợi một khoảnh khắc im
tiếng súng, rồi lao mình ra khỏi ngưỡng cửa, tới góc phố, và gục xuống. Nhưng
một phản ứng bản năng của cha tôi, người cũng đã đi qua Thế chiến thứ Nhất, là:
ở yên trong ngưỡng cửa.”
“Đây là một nơi đầy những ký ức ngọt ngào,” Diotallevi nhận xét.
“Các anh không tin nổi đâu,” Belbo nói, “nhưng chúng thực sự ngọt ngào.
Chúng là những thứ có thực duy nhất mà tôi nhớ được.”