“Vào tên luồn cúi phản trắc, hay lắm. Anh ta lao vào kẻ bất hạnh, chém vào
mặt gã. Kẻ bất hạnh rút gươm, thế là một cuộc đánh lộn lố bịch nổ ra, người chỉ
huy dùng chuôi kiếm cố gắng lập lại trật tự, các sư huynh khác cười thầm...”
“Nốc rượu và báng bổ như hiệp sĩ dòng Đền,” Belbo nói.
“Dao găm của Chúa, nhân danh Chúa, vết thương của Chúa, máu Chúa,” tôi
tiếp lời.
“Nhân vật chính của chúng ta đang phát hỏa, và một hiệp sĩ dòng Đền làm gì
khi anh ta phát hỏa?”
“Đỏ mặt tía tai,” Belbo gợi ý.
“Phải. Anh ta đỏ mặt tía tai, giật bỏ áo tu ném xuống đất.”
“Thế còn: ‘Vứt được cái áo thụng này thì cũng vứt được ngôi đền trời đánh
thánh vật của các người!’ thì sao?” tôi đề xuất. “Và rồi anh ta dùng kiếm hủy đi
dấu triện, tuyên bố mình sẽ gia nhập quân Hồi giáo.”
“Vi phạm liền trong một cứ ít nhất tám giới luật.”
“Dầu sao đi nữa,” tôi nói, quay trở lại luận điểm của mình, “hãy tưởng
tượng một người như thế, nói rằng anh ta sẽ gia nhập quân Hồi. Và một hôm
khâm sai của nhà vua bắt giữ anh ta, gí sắt nung đỏ vào anh ta và nói: ‘Thú tội đi,
thằng bất nhân! Thú nhận là mày đã xuyên thứ đó vào mông sư huynh của mình!”
Ai, tao á? Đống sắt nung của mày làm tao phát buồn cười. Tao sẽ cho mày thấy
hiệp sĩ dòng Đền là như thế nào! Tao sẽ xuyên thứ đó vào mông mày, mông Giáo
hoàng. Cả mông vua Philip nữa, nếu hắn bén mảng lại tao đủ gần!’”
“Một lời thú tội! Chắc hẳn chuyện đã diễn ra theo lối đó,” Belbo nói. “Rồi
nó theo anh ta vào ngục, ngày ngày được tẩm thêm dầu để anh ta sẽ bén lửa hơn
khi thời điểm tới.”
“Họ chỉ là một đám con nít,” Diotallevi kết luận.
Câu chuyện bị cắt ngang bởi một cô gái có vết bớt trái dâu trên mũi; cô ta
cầm trong tay mấy tờ giấy và hỏi chúng tôi đã ký thư kiến nghị thả các đồng chí
Argentina đang bị cầm tù chưa. Belbo không buồn đọc, ký luôn. “Họ còn khốn
khổ hơn cả tôi,” anh ta nói với Diotallevi đang trợn tròn mắt nhìn mình. “Anh ta
không ký được đâu,” Belbo nói với cô gái. “Anh ta thuộc một giáo phái Ấn Độ
cấm các thành viên viết tên mình ra. Nhiều người trong số họ đang ngồi tù vì bị
chính phủ đàn áp ngược đãi.” Cô gái nhìn Diotallevi đầy thương cảm và đưa bản
kiến nghị cho tôi.
“Thế họ là ai vậy?” tôi hỏi.
“Anh hỏi vậy là sao? Các đồng chí Argentina.”