Năm 1291, Saint-Jean-d’Acre bị người Moor chiếm đóng, tất cả cư dân bị
tàn sát. Vương quốc Cơ đốc giáo của Jerusalem vĩnh viễn diệt vong. Các hiệp sĩ
dòng Đền giàu có hơn, đông đảo hơn, quyền lực hơn bao giờ hết, nhưng họ được
sinh ra để chiến đấu ở Đất Thánh, vậy mà ở Đất Thánh chẳng còn lại ai.
Họ sống trong sung tức, tách biệt trong những trang ấp trên khắp châu Âu và
trong Ngôi đền ở Paris, nhưng họ vẫn mơ về vùng cao nguyên của Ngôi đền ở
Jerusalem những ngày vinh quang, mơ về thánh đường đẹp đẽ Saint Mary
Lateran
dát vàng dát bạc với những nguyện đường nhỏ, mơ về hàng mớ chiến
tích của mình, và mọi thứ còn lại: những xưởng rèn, yên cương, kho thóc, những
dãy chuồng chứa hai nghìn con ngựa, những đoàn cận vệ, trợ tá phi nước kiệu,
những kỵ xạ địa phương, những chữ thập đỏ trên nền áo trắng, áo tế sẫm màu của
các trợ tá, những công sứ của vua Hồi đầu đội khăn xếp lớn và mũ giáp mạ vàng,
những người hành hương, một ngã tư giăng kín lính tuần tra và những người cưỡi
ngựa theo hầu bảnh bao, niềm hoan hỉ trước những rương tiền nặng trĩu, bến cảng
mà từ đó những mệnh lệnh và kiện hàng được chuyển tới các pháo đài nằm sâu
trong lục địa, trên đảo hoặc bên những bờ biển Tiểu Á...
Tất cả đã xa rồi, những hiệp sĩ dòng Đền khốn khổ của tôi.
Tối đó, ở Pilade, đến ly whiskey thứ năm mà Belbo trả tiền, khăng khăng
đòi trả, tôi chợt nhận ra rằng mình đã đang mơ thành tiếng và - xấu hổ thay -
chứa chan cảm xúc. Nhưng hẳn tôi đã phải kể một câu chuyện đẹp đẽ, đầy trắc
ẩn, bởi vì đôi mắt của Dolores ngấn lệ còn Diotallevi sau khi hăng máu liều lĩnh
gọi cốc tonic thứ hai, đang bằng ánh mắt của những thiên thần tối cao trân trối
nhìn lên thiên đường, hay đúng hơn là nhìn cái trần rõ ràng không hề có hơi
hướng Kabbalah của quán bar. Anh ta lẩm bẩm: “Có lẽ họ là tất cả những thứ đó:
linh hồn lạc lối và vị thánh, kỵ sĩ và kẻ dắt ngựa, chủ nhà băng và người hùng...”
“Họ rất xuất chúng, không nghi ngờ gì,” là tổng kết của Belbo. “Nhưng hãy
cho tôi biết, Casaubon, anh yêu họ phải không?”
“Tôi đang làm luận văn về họ. Nếu anh làm luận văn về bệnh giang mai,
cuối cùng anh cũng sẽ yêu cả xoắn khuẩn.”
“Dễ thương quá,” Dolores nói. “Giống như phim vậy. Nhưng tôi phải đi đây.
Tôi phải đi in tờ rơi cho sáng mai. Có một cuộc biểu tình ở nhà máy Marelli.”
“Chúc em may mắn. Em dư sức đảm đương,” Belbo đáp. Anh ta đưa bàn tay
ơ hờ lên vuốt tóc cô nàng. Rồi anh ta gọi cái mà anh ta bảo là ly whiskey cuối
cùng. “Sắp nửa đêm rồi. Tôi nói điều này không phải cho những người bình