“Đằng kia có quán trọ.” Văn Tĩnh reo mừng, trỏ tay về một dãy nhà lợp
ngói xanh phía xa. Trước cửa treo hai quả đèn lồng, viết tám chữ lệ:
“Khách sạn Ba Sơn, đến như về nhà”. Ông già cũng mỉm cười.
Hai người đến trước quán trọ, chưa bước vào, một tiểu nhị đã chạy ra, nhìn
họ thật kỹ: “Xin lỗi, ở đây có người bao hết rồi.”
Văn Tĩnh thất vọng vô cùng, nói với cha: “Bố ơi, con đói lắm.”
Lương Thiên Đức cau mày: “Chúng tôi ăn cơm xong là đi ngay. Mong anh
giúp đỡ.”
“Thế thì…” tiểu nhị tỏ vẻ trù trừ.
“Mọi người đều là khách, hà tất câu nệ như thế.” Trong quán có tiếng sang
sảng vọng ra, “Anh cứ mời họ vào.”
“Vâng, vâng.” Tiểu nhị tránh sang nhường đường. Văn Tĩnh vui mừng, lao
vào trước.
“Thằng ranh, chỉ ăn là giỏi.” Lương Thiên Đức bất lực làu bàu.
Trong quán có một cái bàn bát tiên3, ba người đang ngồi. Người ngồi đầu
bàn là một văn sĩ áo trắng, mảnh khảnh sạch sẽ, râu tóc đen nhánh, tay phe
phẩy một cây quạt gấp. Người ngồi mé phải là một ông già rắn rỏi, khuôn
mặt đen cháy, râu dài tới ngực, đôi mắt lim dim, bộ dạng uy nghiêm. Người
thứ ba là một hán tử trung niên, mày rậm mắt tròn, da thịt rắn chắc, lưng
đeo một thanh đại đao chín khuyên, trông thấy Văn Tĩnh xăm xăm chạy
vào, y cau mày.
“Ba cân thịt bò, ba cân cơm, ờ… một cân rượu nếp, một đĩa rau… Ôi chà!”
Văn Tĩnh ôm đầu, sợ sệt nhìn cha.
“Thằng ranh này, mày ăn hết không?” Lương Thiên Đức sầm mặt hỏi.
“Quý khách còn dùng gì nữa ạ?” Tiểu nhị cười ngọt ngào.
“Đủ rồi.” Lương Thiên Đức lắc đầu.
Tiểu nhị thấy hai cha con quần thô áo vải, nhíu mày nói: “Xin lỗi, quán
chúng tôi có lệ bất thành văn, tiền trao cháo múc, mong quý khách trả tiền
trước.”
Lương Thiên Đức ngắm nó thật kỹ: “Đồ mục hạ vô nhân, ngươi tưởng các
ông đây ăn không chăng?”
Tiểu nhị cười ha ha: “Đâu dám! Quý khách thực biết nói đùa!”