Tàm Tùng và Ngư Phù,
Mở nước bao xa xôi!
Đến nay bốn vạn tám ngàn năm,
Mới cùng ải Tần liền khói người…”
Một nho sinh ăn vận rách rưới, mặt như gà chọi, say sưa loạng choạng, cầm
một bầu rượu sơn đỏ, lảo đảo bước ngược lại.
“Phía tây núi Thái Bạch có đường chim,
Vắt ngang đến tận đỉnh Nga Mi,
… à… Nga Mi… à…”
Ngang qua hai cha con, ông ta bỗng hụt chân, chao người đi, Văn Tĩnh tuổi
trẻ nhiệt tình, vội vã thò tay đỡ. Nho sinh phất tay áo rách, đẩy Văn Tĩnh ra,
tiếp tục ca:
“Rồi sau thang trời, lối đá mới nối liền.
Trên đỉnh có sáu rồng, lượn quanh vầng nhật;
Dưới có dòng sâu rẽ ngược, sóng cả đua chen.
Hạc vàng bay qua còn chẳng được;
Vượn khỉ toan vượt, buồn với vin.” 2
Vừa hát vừa bỏ đi.
“Bố, đằng sau là ‘Thần Tiên độ’. Ông ấy rệu rã như thế làm sao vượt qua
được?” Văn Tĩnh hỏi.
“Hừ, anh khoá hỏng thi, văn nhân buồn bã. Đại Tống thực đáng ghét!
Chẳng có gì hay, chỉ toàn những người nghèo nàn khốn khổ.” Ông già cau
mày, hai cha con cùng ngoái lại, bất giác ngơ ngác nhìn nhau, con đường
quanh co uốn khúc tịnh không một bóng người.
“Bố… bố…! Chúng… ta gặp… gặp ma rồi!” Văn Tĩnh thều thào.
“Bậy bạ, mặt y đỏ rực thế, có chỗ nào giống hồn ma bóng quế đâu?”
Ông già ngoài miệng trách móc, nhưng trong bụng cũng kinh hãi vô cùng.
Sau đó, họ đều im lặng, không trò chuyện gì nữa, cứ cắm đầu cắm cổ đi.
Được một thôi đường, vượt qua một con đèo, bỗng trông thấy một dòng
suối trong chảy róc rách, một cây cầu độc mộc bắc ngang hai bờ, đầu cầu
có một quả đồi, mấy ngọn núi xanh ôm ấp vài ba căn nhà, khói nhẹ loăn
xoăn theo gió trôi lên.