người. Lương Tiêu đánh thầy thực là một tội lớn. Phu tử ngã trầy da, vừa
đau vừa giận, và hơn hết là mất mặt vô cùng, ông ta nói rõ nếu không trừng
trị Lương Tiêu thích đáng thì sẽ bỏ trường mà đi. Bô lão trong làng nhao
nhao đến nhà, bắt Văn Tĩnh giao con trai để xử phạt thật nặng trước mặt
mọi người. Nhưng Ngọc Linh nói, kẻ nào động đến một sợi lông của thằng
bé, nàng sẽ lấy đầu kẻ ấy. Văn Tĩnh tiến thoái lưỡng nan, đành đóng cửa
không tiếp khách.
Từ đó trở đi, người làng trở nên lạnh nhạt với nhà họ Lương. Bà đỡ bị
Ngọc Linh đánh đòn dạo xưa vẫn ôm hận trong lòng, lúc này thừa cơ phao
tin Lương Tiêu là quái thai, lúc mới sinh chỉ cười không khóc. Dân thôn
ngày thường bị Lương Tiêu quấy nhiễu đã nhiều, lập tức đồn thổi, dần dần
thêu dệt thành chuyện thằng bé là tà ma chuyển kiếp, đến nỗi có người hắt
đầy máu bẩn phân tươi vào cửa nhà họ Lương.
Văn Tĩnh ngại vợ con tức giận nên không cho ra ngoài. Bị cầm chân trong
nhà, Ngọc Linh rỗi rãi chẳng có việc gì làm, bèn đem tiếng mẹ đẻ dạy
Lương Tiêu, kể con nghe những truyền thuyết quê hương, hai mẹ con trò
chuyện bằng ngôn ngữ Mông Cổ, lấy đó làm vui.
Một hôm, nhắc đến cảnh khói tỏa sa mạc, mặt trời lặn trên sông10, Lương
Tiêu bỗng mơ màng nói:
- Mẹ ơi, người ở đây đã ghét bỏ mình như thế thì mình sang Mông Cổ vậy.
Câu nói vô tình khơi dậy nỗi nhớ cố quốc của Ngọc Linh. Đợi Văn Tĩnh về,
nàng bèn giãi bày với chồng. Văn Tĩnh tự nhủ: “Con ta giống tính mẹ nó,
ương bướng ưa gây sự, không chịu bó buộc bởi lễ giáo, cứ thế này mãi tất
không được người đời dung nạp, sẽ gây ra đại họa… Ừ… chỉ cần nàng và
con được sống bình an, không phải uất ức nữa, vất vả cách mấy ta cũng
chịu…” Nghĩ đến đây, y xoa đầu con trai, cười hỏi:
- Sa mạc nhiều gió và cát, sống khổ lắm. Con có sợ không?
Lương Tiêu vỗ ngực đáp:
- Con không sợ. Khổ gấp trăm lần cũng thế, mà khổ gấp vạn lần cũng thế!
Văn Tĩnh nhìn Ngọc Linh, thấy nàng nín cười lắc đầu, bèn nói:
- Cũng đành, chúng ta mất chỗ dung thân ở đây rồi. Mẹ con em tính tình
như vậy, còn ở Đại Tống ngày nào, tôi còn chưa được sống yên ngày đó.