hỏi mấu chốt ở đây không phải ‘Điều gì đã xảy ra với John Bellingham sau
khi bước chân vào nhà Hurst? ’, mà là ‘Điều gì đã xảy ra với ông ta sau
cuộc nói chuyện ở Quảng trường Nữ hoàng? ’
Ngay khi tôi xác định được cuộc nói chuyện này mới thực sự là điểm bắt
đầu điều tra, rất nhiều tình tiết đáng kinh ngạc được làm sáng tỏ. Rõ ràng
nếu ông Jellicoe có bất kì lí do gì để thủ tiêu John Bellingham, ông ta đã
gặp được một cơ hội hiếm thấy đối với bất kì kẻ giết người có chủ đích
nào.
Hãy cùng xem xét các điều kiện. Người ta biết rằng John Bellingham
đang sửa soạn cho chuyến đi vượt biển một mình. Điểm đến cụ thể thì lại
không rõ ràng. Ông ta sẽ vắng mặt trong một khoảng thời gian không xác
định, nhưng ít nhất là ba tuần. Sự biến mất của ông ta sẽ chẳng gợi lên mối
nghi ngờ nào, không dẫn tới bất kì cuộc điều tra nào ít nhất là trng vài tuần,
mà trong khoảng thời gian đó kẻ giết người có thể thoải mái bí mật phi tang
thi thể và xóa mọi dấu vết. Những điều kiện này, từ góc nhìn của kẻ sát
nhân, đúng là lí tưởng.
Nhưng chưa hết. Cùng thời điểm John Bellingham vắng mặt, ông
Jellicoe được giao nhiệm vụ chuyển cho Viện bảo tàng Anh quốc một thứ
mà thực ra cũng là xác chết, và xác chết ấy được đặt trong một cái quách
phong kín. Ngay cả những kẻ giết người quỷ quyệt nhất liệu có nghĩ ra nổi
cách nào hoàn hảo và an toàn hơn để phi tang cái xác không? Kế hoạch chỉ
có một điểm yếu duy nhất: Xác ướp sẽ được đem đi khỏi Quảng trường Nữ
hoàng sau khi John Bellingham biến mất, và những nghi vấn sẽ nổi lên. Tôi
sẽ trở lại điểm này sau, còn giờ chúng ta hãy cùng xem xét giả thiết thứ hai:
Người mất tích bị thủ tiêu bởi tay Hurst.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn một người được coi là John
Bellingham đã thực sự tới nhà ông Hurst; người ấy đã đi khỏi ngôi nhà
hoặc vẫn còn trong đó. Nếu đã rời đi, người đó đã làm vậy một cách lén lút,
còn nếu ở lại, chắc chắn ông ta đã bị giết và thi thể thì bị giấu kín. Hãy
cùng xem xét xác suất của từng khả năng.