nửa phần cơm của mình, như thể cô để dành phần còn lại cho ngày hôm
sau, cố gắng hết sức để không trở thành một gánh nặng cho cậu chủ của
mình.
Ngày tháng cứ như vậy trôi qua. Mỗi buổi sáng chàng họa sĩ yên lặng
quỳ trên chiếu và vẽ những bức tranh nhỏ tuyệt đẹp mà không ai mua:
những bức tranh vẽ các võ sĩ đeo hai thanh gươm; các quý bà xinh đẹp đang
vấn những mái tóc dài như suối; những con quỷ đang phồng mang thổi gió;
và một số bức tranh nhỏ hài hước vẽ những con thỏ đang chạy dưới ánh
trăng, hay những con chồn lông xám mập ú vỗ bụng như vỗ trống. Trong
khi chàng làm việc thì bà lão cầm những đồng tiền ít ỏi cuối cùng của họ đi
chợ; thời gian còn lại bà dành để nấu nướng, giặt giũ, lau chùi và may vá để
giữ cho căn nhà trơ trọi và số quần áo cũ sờn của họ được tươm tất. Sau khi
nhận ra cô chẳng giúp được gì cho ai, May yên lặng ngồi ngoài nắng, ăn rất
ít, và thường bỏ ra hàng tiếng đồng hồ liền ngồi cúi đầu trước bức tượng
Phật đặt trên một kệ thấp.
“Nó đang cầu nguỵên với đấng Giác Ngộ,” bà giúp việc ngưỡng mộ nói.
“Nó đang bắt ruồi đấy,” chàng họa sĩ nói. “Con mèo đốm của bác làm gì
bác cũng cho là kỳ diệu.” Có lẽ chàng hơi xấu hổ khi nhớ ra rằng gần đây
chàng ít khi cầu khấn Đức Phật vì trong lòng có nhiều mối lo âu.
Nhưng một ngày nọ chàng buộc phải thừa nhận rằng May không giống
như những con mèo khác. Chàng đang ngồi trong phòng riêng của mình
ngắm chim sẻ bay ra bay vào những bụi tú cầu ở ngoài sân, thì thấy May từ
một chỗ nấp nhảy lên vồ lấy một con chim. Trong tích tắc đôi cánh màu
nâu, mái đầu đen, cặp chân khẳng khiu, đôi mắt sợ hãi của con chim đã nằm
gọn trong bộ móng mèo. Chàng họa sĩ định vỗ tay xua mèo thả chim ra,
nhưng trước khi chàng kịp làm thì chàng thấy May tỏ vẻ ngập ngừng và rồi
từ từ, từ từ, nó nâng một chiếc móng trắng lên, và rồi một chiếc nữa khỏi
mình con chim sẻ. Hoàn toàn bình yên, không một vết thương, con chim vỗ
mạnh cánh và bay đi.