Nếu chúng ta quan tâm tới kinh tế, quan tâm tới sự thành công, thì
nguyên lý 80/20 với những kết quả lạ lùng, phản trực giác, chướng tai gai
mắt và thậm chí rất kì quặc đang thực sự tồn tại. Nguyên lý 80/20 đã vượt
ra khỏi những lý thuyết hàn lâm của kinh tế học. Nó xuất hiện không phải
bởi vì các nhà kinh tế muốn ứng dụng nó, không phải bởi vì nó tạo thành
một số điểm nối kết thuận lợi trong các học thuyết của họ, mà bởi vì nó
hiển nhiên và có thể nhận thấy được trong rất nhiều hiện tượng kinh tế.
Như nhà kinh tế Josef Steindl từng bình luận: “Trải qua một thời gian
dài, định luật Pareto (nguyên lý 80/20) đã tích lũy dần các tình huống đặc
sắc trong kinh tế, đây là định luật được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn mà
không ai có thể giải thích được”.
Phát hiện đầu tiên của Vilfredo Pareto dẫn tới nguyên lý 80/ 20 dựa trên
quan sát thu nhập và của cải thu được của nhiều thành phố qua nhiều giai
đoạn. Tính nhất quán trong quan sát đã giúp ông tìm ra các con số ẩn chứa
đằng sau nguyên tắc ấy.
Chính sách thuế quân bình trong suốt một thế kỷ vẫn không thể lật đổ
được ảnh hưởng của nguyên lý 80/20 trong phân phối thu nhập. 10% trội
hơn trong dân số thế giới sẽ chiếm 70% thu nhập của nó và tạo ra 70% hàng
hóa, dịch vụ cho nó. Ở Hoa Kỳ, 5% dân số xuất sắc sở hữu lượng của cải
bằng 60% dân số còn lại. 20% những người giàu nhất nước Mỹ sở hữu
83,9% tài sản của quốc gia này.
Tác động ngày càng tăng của nguyên lý 80/20 lên mối tương quan giữa
các “siêu sao” với các ngành nghề, các lĩnh vực công nghệ giải trí, thể thao
cùng với khoản phí tổn liên quan trong các ngành hay các tập đoàn kém
thành công hơn là minh chứng cho việc áp dụng nguyên lý 80/20 vào việc
tuyển dụng người lao động.
Qui luật Koch về “Con người tạo ra của cải”
Bằng cách nào chúng ta có thể hòa hợp giữa tâm lý và kinh tế, giữa
đường cong hình chuông và sự phân bố 80/20? Cả hai đều được sinh ra từ
kinh nghiệm thực tế, và cả hai đều đã được kiểm chứng.