Từ góc nhìn nhân văn: Lý thuyết bộ tộc
Một lĩnh vực nghiên cứu mới của sự tiến triển tâm lý cho rằng các điều
kiện kinh tế đã thay đổi rất nhiều từ thời kỳ đồ đá, nhưng nhân loại thì
không. Không ai trong chúng ta ý thức được vị trí của mình trong công
việc; hay chính xác hơn là chúng ta thường làm việc dựa trên cảm tính, tìm
kiếm một tập thể nào đó để thuộc về và chấp nhận vị trí tự nhiên của mình
trong cái tôn ti trật tự đó.
Con người có khuynh hướng sống thành bầy, thích dựa dẫm. Chúng ta
luôn muốn có một ai đó lãnh đạo. Chúng ta luôn tỏ ra thân thiện với những
thứ thuộc về tập thể nhỏ bé của mình và nghi ngờ mọi điều đến từ bên
ngoài. Chúng ta luôn e ngại sự rủi ro. Chúng ta bỏ ngoài tai những lời phê
bình góp ý. Chúng ta thường đi đến kết luận dựa vào những ấn tượng ban
đầu. Tất cả những điều đó cho thấy con người luôn muốn xác định những
tập thể nhỏ bé, không nhiều hơn khoảng 150 người, đó là những người mà
ta có thể nhớ mặt, nhớ tên. Vào thời kỳ đồ đá, những đặc tính này tạo điều
kiện thuận lợi để con người tồn tại. Ngày nay, nó thường là một cạm bẫy.
Lưu ý rằng với hầu hết mọi người, tập thể ở đây không có nghĩa là cả
công ty, nhất là khi công ty đó khá lớn. Tập thể thường chỉ là một phòng
ban cụ thể nào đó mà chúng ta giao tiếp hàng ngày và có cùng chung một
mục đích. Chỉ trong những doanh nghiệp mới thành lập, tập thể mới thường
bao gồm cả công ty.
Đâu là dấu hiệu của những con người 80/20?
_ Con người luôn thích một tập thể gắn bó và bạn phải tạo ra được một
tập thể như vậy, đó là những người quý mến nhau và có thể cùng nhau làm
việc tốt. Ở công ty tư vấn LEK, chúng tôi luôn lấy yếu tố xã hội làm tiêu chí
trong việc tuyển chọn nhân sự: Liệu nhân viên của chúng tôi có hài lòng với
tuyển dụng mới không?
_ Bạn sẽ dễ dàng lôi kéo người ta ra khỏi công ty hiện tại của họ nếu
như họ tìm thấy ở công việc mới của bạn một tập thể tốt hơn chỗ làm cũ.
Ngược lại, nếu họ đang cảm thấy vui vẻ với tập thể hiện tại thì việc lôi kéo
họ sang chỗ của bạn gần như bất khả thi.