nên một cuộc phiêu lưu kinh doanh mới, nhưng nguyên lý 80/20 có thể áp
dụng cho tất cả mọi lĩnh vực.
Cá nhân và những guồng máy
Một mối quan hệ cuối cùng và rất quan trọng giữa nguyên lý 80/20 với
những con người sáng tạo là khuynh hướng gần đây thiên về cá nhân hơn là
những guồng máy, thiên về những con người sáng tạo hơn là những tổ chức
thuộc về người khác. Dù không phải mọi người đều đồng ý, và có vẻ như
đây là một sự khẳng định lạ lùng, nhưng tôi tin rằng chúng ta đang sống
trong một thế giới mà càng ngày càng thiên về các cá nhân.
Cá nhân, tôi muốn nói, là những người tạo ra tài sản và sự thịnh vượng.
Nhưng người ta thường không có cảm giác như thế. Nếu chúng ta được hỏi:
“Điều gì thúc đẩy nền kinh tế phát triển?” hay “Cái gì tạo ra sự phồn
vinh?”, hầu hết mọi người sẽ trả lời là: “những công ty lớn”, “thị trường
chứng khoán”, “vốn”, “chính phủ” hay có thể là “những tổ chức tình
nguyện”. Rất ít người có thể đưa ra câu trả lời “những cá nhân sáng tạo”.
Nếu chúng ta quay ngược câu hỏi lại: “Sự phồn vinh được tích lũy từ
đâu?”, hầu hết các nhà quan sát sẽ chỉ vào những giá trị thị trường chói lóa
đặt trên những tập đoàn lớn nhất của chúng ta. Như tôi đã viết, bất chấp sự
sụp đổ của một số công nghệ và hầu hết những cổ phiếu Internet, Microsoft
vẫn có giá trị 286 tỷ đôla. Những tập đoàn hàng đầu của chúng ta chưa bao
giờ đạt giá trị cao hơn hiện nay, và bất chấp một số thoái trào gần đây, hầu
hết các thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn cao hơn so với 5 năm về
trước, và nhiều lần họ đạt mức cao hơn cả 30 năm về trước hay thậm chí là
cao nhất từ trước đến nay. Và trong mỗi thị trường, giá trị được tập trung
vào ngày càng ít chứng khoán. Những doanh nghiệp lớn là nơi tập trung giá
trị. Trong mỗi lĩnh vực đều có khoản hai hoặc ba “siêu tập đoàn” điều khiển
phần lớn thị trường.
Trong nền kinh tế toàn cầu, khi những con cá lớn ngày càng lớn hơn và
thu hút hết của cải tài sản, đâu là nơi cho những cá nhân? Mỗi cá nhân phải
biết tích hợp vào những tổ chức mạnh mẽ, cả trong công việc lẫn trong cuộc
sống hàng ngày.