những tiến bộ đều phụ thuộc vào những người không biết chuyện”. Và định
nghĩa của “không biết chuyện” ở đây chính là “sáng tạo”.
Nếu bạn muốn sáng tạo, trước tiên bạn phải tìm kiếm và nuôi dưỡng
20% đỉnh năng lực của mình. Nếu bạn muốn tạo nên một doanh nghiệp
mới, đừng bắt đầu bằng cách suy nghĩ về kinh doanh. Hãy bắt đầu bằng
cách suy nghĩ về chính bản thân mình.
Rachel: Điển hình của một nhà quản lý 80/20
Rachel là một phụ nữ 50 tuổi. Mảnh mai và xinh đẹp, trông bà trẻ hơn
tuổi thật đến 10 tuổi. Bà đi xe đạp và nuôi vô số mèo trong nhà. Bà bị say
xe nếu xe chạy quá nhanh.
Trong 8 năm, bà là giám đốc điều hành của một công ty nổi tiếng
chuyên về quần áo nữ. Dưới sự quản lý của bà, doanh số tăng gấp đôi và lợi
nhuận tăng gấp 15 lần. Mức lợi nhuận trên vốn của bà đến 50-60% và bà
không hề xin thêm vốn; toàn bộ số vốn mở rộng của bà đều được phát sinh
nội bộ. Bà đã đem đến cho công ty mẹ của mình vô số cổ tức.
Rachel tham gia công ty khi thương hiệu của họ gần như đang ngắc
ngoải. Bà đã nỗ lực hồi sinh và phát triển nó trở lại. Bà đã khởi phát lại
được hai thương hiệu từ con số không.
Trong một ngành kinh doanh công nghệ thấp như vậy, những mối quan
tâm của Rachel thực tế đến mức ngạc nhiên. Không như các nhà cung cấp
quần áo khác trong ngành, công ty của bà đem gia công sản xuất tất cả mọi
loại quần áo. Bà nói: “Tại sao tôi lại phải tự mình sản xuất khi việc đó
không đem lại lợi nhuận bao nhiêu?”. Sức cạnh tranh chính của bà nằm ở
khâu thiết kế và bán hàng, và cả hai khâu này đều không cần nhiều vốn.
Quần áo được đem bán lẻ thông qua các cửa hàng. Rachel trả tiền thuê mặt
bằng dựa trên lợi nhuận thu được và không gian thuê chỗ, nhưng bà sử
dụng rất hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho các cửa hàng này. Bà thuê một
giám đốc thiết kế cực giỏi, song hầu hết công việc thiết kế cũng vẫn được
gởi gia công.
Rachel thu hút tôi vì nhiều lý do và chúng ta sẽ theo gót bà trong suốt
Phần II này. Điều tôi muốn nói ở đây là: Bà đã bắt đầu như thế nào?