nhỏ và xương thú. Tất cả các thứ đó đều được đóng hòm gửi về Lê-nin-grát
để các nhà chuyên môn xem xét.
Các chuyên gia nghiên cứu các hiện vật để xác định các dụng cụ làm
bằng thứ đá gì, xương đó là của những giống thú gì, và để khôi phục lại hình
dáng nguyên vẹn của các pho tượng nhỏ bằng ngà đã bị sứt mẻ và mòn đi sau
bao thế kỷ.
Trong khi đó, các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục đào bới ở làng Ga-ga- ri-nô
một cách có phương pháp và rất thận trọng. Dần dần thấy hiện ngôi nhà ở của
những người đi săn thời tiền sử.
Đó là một túp lều hình tròn, nền nhà đào sâu dưới đất, tường phía dưới
làm bằng các tấm đá xếp lại, lẫn với ngà và xương hàm voi ma-mút, phía trên
có lẽ tường làm bằng những cái sào có những tấm da thú phủ lên. Những đầu
sào ấy chắc là buộc chụm lại thành một cái nóc nhọn. Còn những tấm đá
nặng và những xương voi ma-mút thì có lẽ đã được dùng để chống đỡ những
bức tường. Nhìn phía ngoài, ngôi nhà giống như một cái lều lớn làm bằng
cành cây.
Cạnh các bức tường, người ta đã tìm thấy hai pho tượng nhỏ bằng ngà tạc
hình một phụ nữ rất to béo và một phụ nữ khác hơi gầy, có lẽ đã tạc theo
người thật. Những chi tiết về hai mái tóc của những cô gái làm đỏm thời tiền
sử ấy đã được ghi lại một cách rất trung thực.
Giữa nền nhà có một cái hố nhỏ, trong đó tìm thấy một cái kim bằng
xương, một chuỗi răng cáo làm vòng đeo cổ và một cái đuôi voi ma-mút. Cái
hố đó chắc dùng làm “hòm” đựng đồ đạc quý.
Kim dùng để khâu. Chuỗi răng cáo là đồ trang sức. Còn đuôi voi dùng để
làm gì?
Căn cứ vào các pho tượng tìm thấy ở nhiều nơi khác thì những người đi
săn thời tiền sử thường thường mặc da thú và chắp đuôi thú vào người để hóa
trang làm loài vật. Họ làm cái ấy để làm gì? Sau này chúng ta sẽ bàn. Còn
bây giờ chúng ta đang nói về nhà ở của người tiền sử.